Viêm phổi và bệnh tim mạch
Người đang điều trị bệnh tim mạch tăng gấp 3 lần nguy cơ mắc bệnh viêm phổi. Ngược lại, người ta ước tính có khoảng 30% người bệnh viêm phổi nhập viện sẽ có diễn tiến suy tim hoặc xảy ra một biến cố tim mạch nào đó. Như vậy hoạt động bình thường của tim và phổi có liên quan qua lại lẫn nhau, cơ quan này bị bệnh sẽ có ảnh hưởng đến chức năng cơ quan còn lại.
SỨC KHỎE
Thank Kiều
9/1/2023
Người đang điều trị bệnh tim mạch tăng gấp 3 lần nguy cơ mắc bệnh viêm phổi. Ngược lại, người ta ước tính có khoảng 30% người bệnh viêm phổi nhập viện sẽ có diễn tiến suy tim hoặc xảy ra một biến cố tim mạch nào đó. Như vậy hoạt động bình thường của tim và phổi có liên quan qua lại lẫn nhau, cơ quan này bị bệnh sẽ có ảnh hưởng đến chức năng cơ quan còn lại.
1. Viêm phổi là gì?
Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng ở phổi, thường gây ra bởi vi khuẩn hoặc virut, hiếm hơn là do vi nấm. Virut hay vi trùng đi từ ngoài qua đường dẫn khí, vào đến phổi ở các túi phế nang (túi chứa và trao đổi khí) gây ra tình trạng viêm, phù nề làm hẹp đường dẫn khí, tăng tiết đàm làm cản trở chức năng trao đổi khí của phổi gây nên các triệu chứng của bệnh.
Triệu chứng của bệnh viêm phổi thường gặp là:
- Mệt mỏi, ăn uống kém
- Sốt, lạnh run
- Ho khạc đàm đặc, đàm có màu vàng, xanh, nâu, rỉ sét, có khi có máu
- Đau ngực xảy ra khi ho hoặc khi hít thở mạnh
- Khó thở, thở hụt hơi
- Khò khè, thở rít, thở co kéo
- Một sốt triệu chứng khác như thay đổi tri giác, ngủ gà, li bì,… thường gặp ở người lớn tuổi.
2. Những ai dễ bị mắc bệnh viêm phổi nặng?
- Trẻ em hoặc người lớn tuổi (≥ 65 tuổi)
- Người có bệnh mãn tính: cao huyết áp, đái tháo đường, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, suy tim, viêm khớp,…
- Người suy giảm sức đề kháng như đang điều trị bệnh ung thư, điều trị corticoides kéo dài, nhiễm HIV, điều trị thuốc ức chế miễn dịch sau ghép nội tạng hoặc bệnh tự miễn,…
3. Viêm phổi ảnh hưởng thế nào lên bệnh tim mạch?
Khi bệnh nhân đang bị nhiễm trùng phổi thì quá trình viêm cũng tác động lên nhiều cơ quan khác trong cơ thể, trong đó có hệ tim mạch. Tình trạng viêm thúc đẩy các mảng xơ vữa dễ bị vỡ hay nứt ra, dễ tạo cục máu đông trong lòng mạch gây tắc mạch, đưa đến biến chứng nhồi máu cơ tim, nhồi máu não. Viêm phổi nặng làm thiếu oxy trong máu, nên giảm cung cấp oxy cho hoạt động của tim và các cơ quan, thúc đẩy thiếu máu cơ tim, suy tim xảy ra hoặc nặng lên. Ngoài ra, bệnh nhân nặng thường nằm một chỗ, ít vận động nên lưu thông máu trong tĩnh mạch không tốt, dễ bị huyết khối trong lòng tĩnh mạch ở chân, huyết khối này trôi lên tim, lên phổi sẽ gây tắc mạch phổi, nhồi máu phổi làm cho tình trạng bệnh ở phổi càng trầm trọng hơn.
4. Tại sao người bệnh tim mạch dễ bị viêm phổi?
Người có bệnh tim mạch hay suy tim có khả năng mắc bệnh viêm phổi cao hơn người bình thường và việc điều trị cũng kéo dài hơn. Khi bị suy tim, áp lực máu trong các buồng tim tăng, dẫn đến dễ ứ đọng máu ngược dòng trên phổi, gọi là sung huyết phổi. Người bệnh suy tim cũng có các triệu chứng như ho, khạc đàm có bọt hồng, khó thở,… giống như trong viêm phổi. Khi người bệnh có kèm sung huyết phổi, thì màng phế nang ở phổi thường xuyên bị phù nề, tiết dịch, ứ đọng, là yếu tố thuận lợi cho viêm phổi phát triển. Khi điều trị viêm phổi ở bệnh nhân suy tim ngoài thuốc kháng sinh còn phải phối hợp điều trị giảm phù nề, sung huyết ở phổi thì nhiễm trùng mới cải thiện. Cho nên việc điều trị thường khó khăn và kéo dài hơn so với người không có bệnh tim.
Người ta thấy viêm phổi là yếu tố thúc đẩy làm suy tim nặng lên thường gặp nhất ở bệnh nhân suy tim mãn tính.
5. Cách phòng ngừa viêm phổi ở bệnh nhân tim mạch
Theo hướng dẫn điều trị của hội Tim châu Âu và Hoa Kỳ, tất cả người bệnh tim mạch đều phải chích ngừa cúm, viêm phổi phế cầu và Covid-19. Điều này giúp ngăn ngừa suy tim tiến triển nặng lên, giảm tỉ lệ nhập viện cũng như tử vong ở bệnh nhân tim mạch.
Ngoài ra, người bệnh cần quan tâm chăm sóc sức khỏe, tăng cường sức đề kháng để tránh bệnh nhiễm trùng phổi như:
- Điều trị kiểm soát tốt bệnh tim mạch, ổn định đường huyết, ổn định bệnh phổi mạn tính.
- Không hút thuốc lá, giảm hoặc không uống rượu bia.
- Tập thể dục đều đặn mỗi ngày, vận động thường xuyên khi có thể.
- Nghỉ ngơi và ăn uống hợp lý, tránh thức khuya, tránh căng thẳng.