Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng

Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng là tình trạng nhiễm trùng ở tim, bệnh nguy hiểm, có nhiều biến chứng, tử vong cao, cần điều trị với kháng sinh mạnh kéo dài và rất tốn kém. Do đó, khi đứng trước một ca bệnh nặng, tôi nghĩ nếu phòng ngừa được thì tốt hơn nhiều ở những người có nguy cơ cao mắc bệnh này.

SỨC KHỎE

Thank Kiều

6/27/2023

Một bệnh nhân nam 44 tuổi bị sốt dai dẳng kéo dài sáu tháng nay, đã đi khám ở nhiều nơi, uống thuốc thì hết sốt, ngưng thuốc thì sốt lại. Người bệnh cho biết khi thăm khám bác sĩ kết luận có tình trạng nhiễm trùng và thiếu máu mãn, nhưng không rõ nhiễm trùng từ đâu. Bệnh nhân đã sụt gần mười bốn ký, không ăn uống được, mỗi ngày đều có một hoặc hai cơn sốt, người mệt mỏi, không còn sức lực. Lần này bệnh nhân đến khám và nhập viện để tìm nguyên nhân sốt kéo dài. Một ngày sau, bệnh nhân được chẩn đoán viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, hở van hai lá nặng. Ngày thứ ba sau nhập viện kết quả cấy máu ra vi trùng Streptococcus gordonii trên hai mẫu máu. Bệnh nhân được điều trị với hai loại kháng sinh đường tĩnh mạch trong hai tuần, sau đó mổ sửa van hai lá và tiếp tục kháng sinh sau mổ đủ sáu tuần.

Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng là tình trạng nhiễm trùng ở tim, bệnh nguy hiểm, có nhiều biến chứng, tử vong cao, cần điều trị với kháng sinh mạnh kéo dài và rất tốn kém. Do đó, khi đứng trước một ca bệnh nặng, tôi nghĩ nếu phòng ngừa được thì tốt hơn nhiều ở những người có nguy cơ cao mắc bệnh này.

Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng là gì?

Là tình trạng nhiễm trùng ở lớp nội mạc tim (màng trong tim hay van tim) do vi khuẩn, vi nấm hay ký sinh trùng. Vi khuẩn khi xâm nhập vào mạch máu, đi chu du khắp nơi, khi gặp van tim hoặc nội mạc tim bị tổn thương thì bám dính vào, tạo nên ổ nhiễm trùng hoặc ổ áp xe tại đó. Ổ nhiễm trùng này thường tạo nên các cục sùi như bông cải, bên trong có chứa vi trùng, cục sùi này dính vào nội mạc tim hay van tim và di động lắc lư trong buồng tim. Nếu không điều trị kịp thời, các van tim sẽ bị tổn thương nặng như thủng lá van, rách van, đứt dây chằng và suy tim nặng.

Những ai dễ bị viêm nội tâm mạc nhiễm trùng?

- Người có bệnh van tim như hẹp hở van hai lá, hẹp hở van động mạch chủ mức độ từ trung bình trở lên.

- Người có bệnh tim bẩm sinh

- Bệnh nhân thay van tim nhân tạo, có ống ghép trong tim hoặc có đặt thiết bị tạo nhịp trong buồng tim

- Có đặt catheter (kim luồn) lâu dài trong mạch máu như để chạy thận, truyền thuốc ung thư,…

- Nghiện ma túy, chích thuốc gây nghiện

- Trước đây đã từng bị viêm nội tâm mạc nhiễm trùng

- Vệ sinh răng miệng kém, có nhiều răng sâu, áp xe chân răng, viêm nha chu

Triệu chứng gợi ý viêm nội tâm mạc nhiễm trùng

Bệnh thường âm ỉ, kéo dài với các triệu chứng không điển hình, dễ lầm với các bệnh khác như:

- Sốt, ớn lạnh kéo dài trên 2 tuần

- Mệt mỏi, ăn uống kém

- Sụt cân

- Đau khớp, đau cơ, nhức đầu

- Đổ mồ hôi ban đêm

- Khó thở

- Đau lưng, đau hông trái

- Có nốt xuất huyết ở mắt, lòng bàn tay, lòng bàn chân

Chẩn đoán viêm nội tâm mạc nhiễm trùng

Bác sĩ thường dựa vào bệnh sử, tiền sử có bệnh tim mạch, khám lâm sàng và các xét nghiệm. Trong đó các dấu chứng quan trọng là:

- Có bệnh tim nền như hẹp hở van tim, bệnh tim bẩm sinh, mổ thay van tim

- Có tình trạng nhiễm trùng mạn tính như sốt với tăng bạch cầu, tăng CRP và thiếu máu nhẹ.

- Siêu âm tim có tổn thương (cục sùi) điển hình trên van tim, áp xe vòng van, hoặc dấu hiệu sút van nhân tạo

- Cấy máu ra ít nhất hai mẫu máu dương tính với cùng một loại vi trùng phù hợp gây viêm nội tâm mạc nhiễm trùng.

Biến chứng của viêm nội tâm mạc nhiễm trùng

- Hư van tim như thủng, rách van hoặc sút van nhân tạo

- Thuyên tắc mạch do cục sùi: cục sùi có thể vỡ ra, trôi theo dòng máu gây tắc mạch ở não, phổi, nội tạng (thận, lách, ruột), hoặc tắc mạch máu nhỏ ở tay, chân. Hậu quả người bệnh có thể bị tai biến mạch máu não đột ngột với yếu liệt nửa người, không nói chuyện hay không nuốt được; hoặc thuyên tắc phổi cấp tính gây khó thở, suy hô hấp, nguy kịch tính mạng; nhồi máu thận gây tiểu máu, suy thận; nhồi máu lách gây đau hông lưng trái đột ngột,…

- Nhiễm trùng lan rộng, không kiểm soát được

- Suy tim tiến triển

Điều trị viêm nội tâm mạc nhiễm trùng

- Nội khoa: dùng thuốc kháng sinh truyền tĩnh mạch từ 4 đến 6 tuần.

- Phẫu thuật sửa hoặc thay van tim sau khi đã điều trị đủ thời gian kháng sinh. Một số trường hợp cần mổ sớm như nhiễm trùng không đáp ứng với điều trị kháng sinh, suy tim nặng hoặc cục sùi lớn > 1cm, có nguy cơ tắc mạch cao.

Phòng ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm trùng

- Phần lớn vi trùng gây viêm nội tâm mạc nhiễm trùng là từ vùng răng miệng và ở ngoài da. Do đó, nên khám răng định kỳ và điều trị bệnh răng miệng mỗi sáu tháng, điều trị sớm các ổ nhiễm trùng, ghẻ, nhọt ngoài da.

- Không tiêm chích các thuốc gây nghiện bất hợp pháp

- Khi làm các thủ thuật gây chảy máu phải uống kháng sinh 60 phút trước khi làm ở những bệnh nhân sau:

o Bệnh tim bẩm sinh chưa phẫu thuật, phẫu thuật dưới sáu tháng hoặc phẫu thuật chưa sửa chữa triệt để

o Thay van tim nhân tạo

o Tiền sử đã từng viêm nội tâm mạc nhiễm trùng

o Ghép tim

- Lối sống lành mạnh tích cực, nâng cao sức đề kháng để phòng tránh bệnh nhiễm trùng.

Tóm lại, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng là bệnh nguy hiểm, thường xảy ra ở những người có bệnh tim nền hoặc ở người nghiện ma túy, suy giảm miễn dịch. Bệnh điều trị khó khăn và tử vong còn cao. Mọi người nên chủ động phòng bệnh và cảnh giác bệnh này khi có triệu chúng sốt kéo dài.

Tài liệu tham khảo:

1. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/endocarditis/symptoms-causes/syc-20352576.