Tinh khôi một ngày

Hôm nay là ngày tôi có nhiều cảm xúc vui buồn lẫn lộn, mà hình như vui nhiều hơn buồn.

NHẬT KÝ

Thank Kiều

8/11/2023

Hôm nay là ngày tôi có nhiều cảm xúc vui buồn lẫn lộn, mà hình như vui nhiều hơn buồn.

Sáng ra nấu được nồi cơm nếp đậu xanh ăn cả ngày, thế là vui rồi. Ngồi ăn mà nhớ thằng con trai, nó cũng thích ăn món này giống mình.

Sáu giờ kém mười phút, tôi lên xe đi làm, vừa đi vừa hát nghêu ngao theo ca sĩ “Buồn làm chi em ơi, lá xanh rồi cũng phai màu!”, rồi đến “Một mai xa nhau xin nhớ cho nhau nụ cười”. Vừa nghe vừa ngẫm nghĩ thấy thật chí phải. Lá non, xanh, vàng rồi rụng, không ai tránh khỏi quy luật này. Có những chuyện lúc trẻ chưa từng nghĩ tới, giờ đã nhận ra và bắt đầu chấp nhận. Nghe nhạc suốt đoạn đường đi làm nên chẳng mấy chốc đã tới nơi. Hay ở chỗ đi làm xa thì có nhiều thời gian được nghe nhạc hơn.

Như thường lệ, họp khoa sẽ diễn ra vào ngày thứ sáu hàng tuần lúc sáu giờ bốn mươi phút, đến bảy giờ thì kết thúc để mọi người vào làm việc. Hôm nay họp hơn bảy giờ vẫn chưa xong, có quá nhiều việc cần bàn bạc. Tựu trung lại vẫn là KPIs (chỉ số năng suất công việc). Nếu một người làm việc không hiệu quả, không có năng suất thì sẽ bị thay thế hoặc sa thải. Điều này là tất yếu! Nhưng với tôi, đây là lần đầu tiếp xúc với loại chỉ số này nên có chút bỡ ngỡ và ưu tư. Chưa hết, cuối buổi tôi được nêu tên trong giao ban vì có người phê phán tôi đố kỵ, nhỏ nhen trong công việc. Tôi chỉ có thể nói được một câu là “Không bao giờ có chuyện đó!”. Tôi biết, những người làm chung với tôi biết, còn những ai chưa từng làm việc chung với tôi mà nói thì coi như họ chưa biết gì! Tôi thoáng buồn năm phút, nhưng nghĩ lại mình không có thì mình buồn làm gì.

Buổi sáng khám bệnh diễn ra bình thường như mọi ngày. Bệnh nhân mới vào tôi khám trước để cho thuốc, bệnh nhân cũ đã nằm mấy hôm rồi thì khám sau. Một bà cụ tám mươi lăm tuổi vô viện vì hồi hộp, tức ngực, bà nói bà chỉ nằm viện tối đa ba ngày thôi, bác sĩ làm sao cho kịp thì làm. “Dạ cụ, sẽ được như ý!” bác sĩ trả lời. Một bà cụ khác, chín mươi tuổi, nhập viện vì suy tim và rối loạn tiêu hóa. Bà còn minh mẫn lắm, nhìn bà ôn hòa, từ tốn và phúc hậu. Bà có đem sách theo đọc trong lúc nằm viện, bà nói là sách kinh phật. Bà cụ than tối qua khó ngủ, đến ba giờ sáng mới chợp mắt được một chút. Tôi chọc ghẹo bà “Chơi game hay sao mà thức khuya vậy bà?”. Bà cười trả lời “Đâu chơi được nè!”. Bà cụ thiệt là dễ thương! Tôi đi thăm vài bệnh nữa, đến sau cùng là một ông bệnh nhân bảy mươi tuổi, người mà hôm qua tôi đi khám đầu tiên trong buổi sáng. Hôm nay tôi quyết định sẽ khám cho ông cuối cùng. Sáng hôm qua vừa gặp bác sĩ là ông than phiền đủ thứ chuyện, nào là bác sĩ ở phòng hồi sức làm quá nhiều khảo sát không cần thiết cho ông, bắt ông phải nằm trên giường liên tục nên giờ ông mệt và yếu hơn lúc mới vô viện, là bác sĩ phải nghiên cứu làm sao cho thuốc điều trị phù hợp nhất với ông chứ đâu có nên để ông nằm viện cả tuần như vậy, vân vân và vân vân. Nghe xong tôi cũng tụt mút (mood) luôn. Trong khi hồ sơ bệnh án ghi ông suy tim, phù phổi cấp, viêm phổi, suy thận giai đoạn cuối, tăng huyết áp, đái tháo đường, gout,… Có lúc bác sĩ phải dùng cả thuốc vận mạch làm tăng co bóp cho tim của ông, truyền thuốc lợi tiểu liên tục vì ông sắp đến nguy cơ lọc thận. Bệnh quá trời bệnh mà ông nói như không có gì. Hôm nay tôi không dám đi khám cho ông đầu tiên nữa vì sợ mất cảm hứng làm việc cả ngày.

Đang ngồi ghi chép hồ sơ thì nghe bên ngoài có tiếng ồn ào, một giọng nữ the thé đang la hét rất giận dữ. Tôi bảo bạn điều dưỡng ra coi có chuyện gì cãi nhau ngoài đó. Thì ra không phải là cãi nhau mà bệnh nhân đang chửi mắng nhân viên bệnh viện. Từ bảy giờ rưỡi sáng bà đã chửi em thư ký khi em hỏi tên tuổi của bà khi đưa bà lên giường làm siêu âm. Khi bắt đầu làm, bác sĩ hỏi lại tên tuổi bà lần nữa (nguyên tắc xác định đúng bệnh nhân) thì bà chửi tiếp “Bệnh viện này làm đ*o gì mà cứ hỏi đi hỏi lại hoài”. Bác sĩ giải thích, bà chửi luôn bác sĩ và không cho làm siêu âm, bác sĩ siêu âm phải đi mời một bác sĩ khác vô làm cho bà. Lúc nảy khi về phòng, bà thấy drap giường nhăn, nhân viên chăm sóc chưa thay cho bà, mâm đồ ăn bà ăn xong chưa dọn đi. Thế là bà quát tháo ầm ỉ. Ai cũng lo cho sức khỏe của bà, bà bị suy tim mà còn gắng sức quá mức như vậy. Sau đó, tất cả nhân viên từ phục vụ đến điều dưỡng và bác sĩ đều ngại ngùng khi đến chăm sóc bà. Chúng tôi phải báo cáo với ban quản lý chất lượng để họ có kế hoạch chăm sóc riêng trường hợp của bà.

Trưa nay trong khoa có buổi hội thảo khoa học từ 12:30 đến 13:30. Tôi được phân công báo cáo một bài về xét nghiệm men tim sau mổ. Tôi khá tâm đắc với bài này vì thấy có một số điểm hay khi tìm hiểu về đề tài này, nó rất hữu ích khi đi hội chẩn những bệnh nhân nhồi máu cơ tim sau mổ. Nhưng khổ thay, đến giờ mà chỉ có chủ tọa, hai báo cáo viên và lác đác vài bác sĩ. Thầy phải vận động, gọi điện thoại một hồi mới có được thêm một số bác sĩ nữa đến nghe. Thật ra các bác khác cũng rất bận bịu làm thông tầm chưa được nghỉ trưa hoặc chỉ nghỉ trưa ngắn ngủi để ăn chút gì đó rồi chiều một giờ vô khám tiếp. Hôm nay hai người bạn thân cận của tôi cũng không đến dự được, một người có việc ra ngoài, một người thì đang xử lý một ca bệnh cấp cứu mới vào viện. Cuối cùng buổi hội thảo cũng thành công tốt đẹp.

Buổi chiều tôi có hai cuộc họp nữa, một lúc 14:00 với ban IT, một cuộc lúc 15:00 với các trưởng khoa, bàn về làm hồ sơ bệnh án. Cuộc họp kết thúc lúc 16:00, ai cũng hân hoan và vui vẻ ra về.

Tôi cũng tiếp tục với điệp khúc “Lối cũ ta về!”.