Thuốc kháng vitamin K

Thuốc kháng vitamin K là thuốc kháng đông uống cổ điển, có lịch sử lâu đời gần 70 năm, được sử dụng từ những năm 1950s. Thuốc này ức chế tổng hợp các yếu tố đông máu do gan sản xuất (yếu tố II, VII, IX và X), kết quả sau cùng không tạo ra được fibrin nên không hình thành cục máu đông và làm cho máu loãng hơn bình thường.

SỨC KHỎE

Thank Kiều

6/5/2023

Thuốc kháng vitamin K là gì?

Thuốc kháng vitamin K là thuốc kháng đông uống cổ điển, có lịch sử lâu đời gần 70 năm, được sử dụng từ những năm 1950s. Thuốc này ức chế tổng hợp các yếu tố đông máu do gan sản xuất (yếu tố II, VII, IX và X), kết quả sau cùng không tạo ra được fibrin nên không hình thành cục máu đông và làm cho máu loãng hơn bình thường.

Hiện nay ở Việt Nam có hai hoạt chất được sử dụng phổ biến là:

- Acenocoumarol với tên biệt dược là Sintrom, Vincerol, Aceronko,…

- Warfarin với tên biệt dược là Coumadine hay Tivogg

Thuốc kháng vitamin K được dùng điều trị bệnh gì?

Thuốc được sử dụng rộng rãi trong phòng ngừa và điều trị bệnh về huyết khối như huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới, thuyên tắc phổi, phòng ngừa đột quỵ trong rung nhĩ, huyết khối trong buồng tim và sau thay van tim nhân tạo.

Hơn mười năm trở lại đây, có sự ra đời của thuốc kháng đông uống mới với nhiều ưu điểm hơn nên chỉ định bắt buộc dùng thuốc này đã bị thu hẹp. Hiện nay thuốc kháng vitamin K chủ yếu được sử dụng cho 2 nhóm bệnh nhân sau: (1) thay van tim cơ học, (2) hẹp van 2 lá mức độ trung bình đến nặng có kèm rung nhĩ.

Một số trường hợp khác có chỉ định dùng thuốc kháng đông và cần chuyển sang loại thuốc này:

- Bệnh nhân suy thận nặng, độ lọc cầu thận < 15 ml/ph/1.73m2, không sử dụng được thuốc kháng đông uống mới.

- Hội chứng kháng phospholipid, là tình trạng bệnh lý gây tăng đông máu toàn thân, ở cả động mạch và tĩnh mạch. Theo ý kiến đồng thuận của các chuyên gia hiện nay ưu tiên sử dụng nhóm thuốc này.

- Bệnh nhân không chi trả được với thuốc kháng đông uống mới.

Những ưu điểm và nhược điểm của thuốc kháng vitamin K:

Ưu điểm của thuốc là rẻ tiền, hiệu quả và sử dụng được trên tất cả bệnh nhân kể cả suy thận nặng. Bên cạnh đó thuốc có nhiều nhược điểm như sau:

- Không có liều cố định chung cho các bệnh nhân, ngay cả trên cùng một người bệnh liều thuốc cũng thay đổi theo tình trạng sức khỏe, bệnh đi kèm và chế độ ăn uống.

- Thời gian có tác dụng của thuốc chậm: thường cần trung bình 5 đến 7 ngày sau khi bắt đầu dùng thuốc mới đạt được hiệu quả chống đông mong muốn. Tương tự, khi ngưng thuốc cũng mất 1-3 ngày để chờ hết tác dụng của thuốc.

- Tương tác với nhiều loại thuốc và thức ăn: khi ăn thức ăn có nhiều vitamin K như rau cải xanh sẽ làm giảm hiệu quả chống đông máu, ngược lại khi uống kèm các thuốc giảm đau, kháng viêm hoặc kháng sinh (Paracetamol, Mobic, Diclofenac, Advil, Augmentin,…) sẽ làm tăng tác dụng chống đông máu và dễ gây biến chứng xuất huyết.

- Khoảng điều trị hẹp: có nghĩa là khi uống thuốc này người bệnh cần đo đông máu bằng chỉ số INR (International Normalised Ratio), mục tiêu điều trị thường trong khoảng 2.0 – 3.0. Thực tế mỗi lần xét nghiệm INR cho ra một giá trị khác nhau, miễn nằm trong cửa sổ điều trị là đạt yêu cầu, tuy nhiên con số này rất dao động. Do đó, người bệnh phải làm xét nghiệm INR mỗi lần tái khám để điều chỉnh liều thuốc.

- Thuốc không sử dụng được cho phụ nữ trong 3 tháng đầu thai kỳ do nguy cơ dị tật thai, sẩy thai và sau tuần 36 do tăng biến chứng chảy máu trong lúc sanh.

- Biến chứng xảy ra nếu điều trị không đủ liều là huyết khối tái phát, nhồi máu não hoặc kẹt van tim nhân tạo; nhưng nếu quá liều sẽ bị xuất huyết ở da, cơ, khớp, chảy máu cam, chảy máu dạ dày, tiểu máu, hoặc nghiêm trọng hơn là xuất huyết não có thể dẫn đến tàn phế hoặc tử vong.

Cách theo dõi khi uống thuốc kháng vitamin K?

Để đánh giá hiệu quả điều trị người bệnh cần xét nghiệm INR mỗi lần đến khám hoặc khi có dấu hiệu chảy máu. Khoảng cách giữa các lần xét nghiệm INR là 2 – 4 tuần một lần, trường hợp bệnh nhân ổn định có thể 1 – 3 tháng đo một lần. Tuy nhiên, với người có tiền sử bị kẹt van hoặc xuất huyết thì có thể đo gần hơn mỗi 1-2 tuần một lần.

Người bệnh có thể đến bệnh viện để làm xét nghiệm hoặc mua máy xét nghiệm INR cầm tay đo tại nhà.

Các dấu hiệu cảnh báo biến chứng mà người bệnh cần lưu ý để đo lại INR ngay hoặc gặp bác sĩ sớm:

- Bầm dưới da nhiều nơi không liên quan đến va chạm

- Chảy máu cam, chảy máu răng

- Đi tiêu phân đen, phân có máu

- Tiểu máu

- Sưng, căng đau khớp gối hoặc bắp tay, bắp chân đột ngột

- Nhức đầu dữ dội, nhìn mờ, chóng mặt

- Thay đổi tri giác, lừ đừ hay ngủ gà

Cách phòng ngừa biến chứng khi uống thuốc kháng vitamin K?

- Uống thuốc đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ

- Theo dõi các dấu hiệu cảnh báo biến chứng

- Phòng tránh té ngã: mang dép chống trượt, không leo trèo

- Không chơi các môn thể thao dễ chấn thương như đá banh, quyền anh,…

- Không được châm cứu, cắt lể, giác hơi, mát-xa mạnh tay chân

- Thông báo với bác sĩ điều trị khi có kế hoạch mang thai

- Không nên uống thêm các loại thảo dược hoặc thuốc khác mà chưa có ý kiến của bác sĩ

- Mang theo thẻ hoặc giấy ghi chú đang uống thuốc kháng đông bên mình khi ra ngoài, để nếu lỡ bị tai nạn gãy xương, xuất huyết nội hay chấn thương sọ não sẽ được cấp cứu kịp thời

Tóm lại, thuốc kháng vitamin K ngày nay được sử dụng chủ yếu cho bệnh nhân sau thay van tim nhân tạo. Thuốc rất cần thiết để duy trì hoạt động của van, nhưng cũng có nhiều bất lợi mà người bệnh cần quan tâm và phòng tránh.

Xin vui lòng bấm vào khung hình để nghe bằng giọng đọc.