Thuốc chống kết tập tiểu cầu

Tiểu cầu là một trong ba loại tế bào có trong thành phần của máu (hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu), có chức năng cầm máu. Khi mạch máu bị tổn thương, các tiểu cầu kết dính lại thành cụm, che kín tổn thương và làm ngừng chảy máu.

SỨC KHỎE

Thank Kiều

5/30/2023

Thuốc chống kết tập tiểu cầu

Tiểu cầu là một trong ba loại tế bào có trong thành phần của máu (hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu), có chức năng cầm máu. Khi mạch máu bị tổn thương, các tiểu cầu kết dính lại thành cụm, che kín tổn thương và làm ngừng chảy máu. Nhưng sự kết dính này có thể tạo ra cục máu đông bít kín lòng mạch gây nhồi máu cơ tim hay nhồi máu não.

Thuốc chống kết tập tiểu cầu có tác dụng làm cho tiểu cầu mất chức năng kết dính với nhau, ngăn tạo cục máu đông gây tắc mạch. Thuốc này có hai dạng: uống và truyền tĩnh mạch. Các thuốc dạng uống thường sử dụng hiện nay là aspirin, clopidogrel, ticagrelor và prasugrel. Khi dùng các thuốc này, máu trở nên loãng hơn, khó đông, lâu cầm lại khi có vết thương và dễ gây vết bầm trên da khi va chạm.

Thuốc được dùng cho bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, sau đặt stent hoặc mổ bắc cầu động mạch vành, bệnh động mạch vành mạn.

- Sau nhồi máu cơ tim cấp, sau đặt stent mạch vành: thường dùng hai thuốc chống kết tập tiểu cầu (aspirin và clopidogrel/ticagrelor/prasugrel) trong 12 tháng, sau đó giảm còn một loại và duy trì suốt đời. Nếu người bệnh bị tiểu máu, xuất huyết tiêu hóa thì thời gian dùng phối hợp hai thuốc có thể ngắn hơn, 6 tháng. Tuy nhiên, việc sử dụng hai thuốc này trong bao lâu nên để bác sĩ cân nhắc bởi vì nếu quyết định sai người bệnh sẽ gặp nguy hiểm do tắc stent mạch vành hoặc chảy máu nghiêm trọng phải truyền máu. Một số trường hợp, bệnh nhân sau vài năm uống thuốc thấy tình trạng bệnh ổn định nên tự ngưng thuốc. Phần lớn bệnh nhân sau thời gian ngưng thuốc một vài tháng, stent mạch vành sẽ bị hẹp hoặc tắc, có triệu chứng cần phải nhập viện để đặt lại stent khác hoặc mổ làm cầu nối mạch vành.

- Sau mổ bắc cầu, bệnh động mạch vành mạn, sau nhồi máu não: thường dùng một loại thuốc chống kết tập tiểu cầu suốt đời để ngăn ngừa bệnh tái phát hay tắc cầu nối mạch vành. Có thể chuyển đổi qua lại giữa các thuốc trong nhóm. Nếu bệnh nhân uống aspirin mà bị viêm hoặc loét dạ dày có thể chuyển sang clopidogrel hoặc ticagrelor.

Tác dụng phụ thường gặp khi uống thuốc chống kết tập tiểu cầu là loét dạ dày và chảy máu đường tiêu hóa. Đặc biệt nếu người bệnh từng bị chảy máu dạ dày trước đây, nhiễm vi trùng HP (Helicobacter pylori), nghiện rượu, thường xuyên uống thuốc giảm đau nhức thì biến chứng này càng dễ xảy ra. Nguy cơ chảy máu tăng gấp 2- 3 lần ở bệnh nhân uống thuốc chống kết tập tiểu cầu lâu dài. Để phòng tránh, người bệnh cần nội soi tiêu hóa và điều trị HP khi có nhiễm, uống kèm thuốc bảo vệ dạ dày (Pantoprazole, Rabeprazole, Esomeprazole), không uống rượu bia và hạn chế uống thuốc giảm đau.

Trước khi phẫu thuật hoặc làm thủ thuật gây chảy máu (nội soi có sinh thiết, nhổ răng,…) cần ngưng các thuốc này. Thời gian ngưng như sau:

- Aspirin ngưng trước mổ 7 ngày, trừ mổ tim mạch hoặc ở bệnh nhân mới đặt stent mạch vành dưới 12 tháng, nhồi máu cơ tim dưới 1 năm thì có thể không cần ngưng aspirin.

- Clopidogrel ngưng 5 ngày

- Ticagrelor ngưng 3- 5 ngày

- Prasugrel ngưng 7 ngày

Trước khi mổ hoặc làm thủ thuật, người bệnh nên khám và có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa về việc ngưng thuốc, thời gian ngưng và khi nào thì uống lại. Chúng ta không nên tự ngưng thuốc vì như thế sẽ nguy hiểm, ngưng không đủ thời gian sẽ gây chảy máu nặng lúc mổ do chức năng tiểu cầu chưa hồi phục, ngưng kéo dài sẽ làm tắc stent hoặc nhồi máu cơ tim tái phát.

Tóm lại, ngày nay thuốc chống kết tập tiểu cầu được dùng rất phổ biến trong điều trị và phòng ngừa bệnh tim mạch. Việc dùng thuốc nên tuân theo chỉ định của bác sĩ. Khi cần ngưng hoặc chuyển đổi thuốc thì người bệnh phải trao đổi với bác sĩ trước khi thực hiện. Khi cần phẫu thuật bệnh ngoài tim người bệnh nên khám tim mạch trước để bác sĩ đánh giá mổ có an toàn không, cần ngưng những thuốc nào và sau mổ bao lâu phải uống lại. Chú ý các dấu hiệu cảnh báo biến chứng như ăn đầy hơi khó tiêu, đau nóng rát ở bụng trên, đi cầu phân đen hoặc ra máu đỏ,… để đến gặp bác sĩ sớm.