Thuốc chống huyết khối

Bình thường máu lưu thông trong lòng động mạch và tĩnh mạch một cách thông suốt. Khi thành mạch máu bị tổn thương (ví dụ như khi mạch máu bị đứt), cơ thể sẽ tự sửa chữa bằng cách tạo ra cục máu đông để bít lại chỗ tổn thương, cầm máu và làm lành vết thương.

SỨC KHỎE

Thank Kiều

5/29/2023

Thuốc chống huyết khối là gì?

Bình thường máu lưu thông trong lòng động mạch và tĩnh mạch một cách thông suốt. Khi thành mạch máu bị tổn thương (ví dụ như khi mạch máu bị đứt), cơ thể sẽ tự sửa chữa bằng cách tạo ra cục máu đông để bít lại chỗ tổn thương, cầm máu và làm lành vết thương. Sau hai đến ba ngày, cơ thể tự có cơ chế làm tiêu đi cục máu đông, lòng mạch máu được dọn dẹp thông thoáng và máu lưu thông trở lại bình thường. Trong một số bệnh lý, việc hình thành cục máu đông này quá dễ dàng hoặc quá mức (tình trạng tăng đông máu hoặc ứ trệ máu) gây bít tắc lòng mạch và đưa đến những hậu quả nghiêm trọng, kể cả tử vong. Huyết khối cấp tính trong động mạch vành gây nhồi máu cơ tim cấp, trong động mạch phổi gây thuyên tắc phổi, trong động mạch não gây nhồi máu não, trong tĩnh mạch chi dưới thì gây tắc tĩnh mạch,…

Hình 1: Thành phần huyết khối gồm hồng cầu và sợi fibirin

Thành phần cục máu đông gồm tiểu cầu, hồng cầu và sợi fibrin. Các loại thuốc chống huyết khối bao gồm: (1) thuốc chống kết tập tiểu cầu, (2) thuốc chống đông máu và (3) thuốc tiêu sợi huyết.

- Thuốc chống kết tập tiểu cầu ngăn ngừa không cho tiểu cầu kết dính lại với nhau, không tạo ra cục máu đông trong lòng động mạch. Ví dụ: aspirin, clopidogrel, ticagrelor, prasugrel,…

- Thuốc chống đông máu tác động lên quá trình hình thành sợi fibrin, ngăn ngừa tạo ra cục máu đông trong lòng động mạch và tĩnh mạch. Nhóm này có hai dạng sử dụng:

o Thuốc kháng đông tiêm truyền: thường dùng trong giai đoạn cấp tính, nằm trong bệnh viện. Ví dụ: heparin, enoxaparin, fondaparinux,…

o Thuốc kháng đông uống: bao gồm 2 nhóm nhỏ là thuốc kháng vitamin K (Ví dụ: acenocoumarol, warfarin,…) và thuốc kháng đông uống thế hệ mới (Ví dụ: dabigatran, rivaroxaban, epixaban, edoxapan,…).

- Thuốc tiêu sợi huyết là thuốc làm tiêu hủy fibrin, làm tan cục máu đông đã có trong lòng mạch. Ví dụ: streptokinase, Alteplase,…

Thuốc chống kết tập tiểu cầu và thuốc chống đông máu là các thuốc làm cho máu loãng hơn bình thường, khó bị đông lại, có tác dụng ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông hoặc ngăn cục máu đông lan rộng thêm trong lòng mạch; không có tác dụng làm tan cục máu như thuốc tiêu sợi huyết. Hai thuốc này được sử dụng phổ biến thường ngày trong phòng ngừa huyết khối. Người bệnh thường hay gọi chung hai nhóm thuốc này là thuốc chống đông, nhưng thật sự là hai nhóm riêng biệt.

Riêng thuốc tiêu sợi huyết được dùng trong những trường hợp đặc biệt, trong bệnh viện như nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lênh mà không có điều kiện thông tim, nhồi máu não do huyết khối lấp mạch, thuyên tắc phổi nặng có sốc tim,… nên người bệnh ít biết về loại thuốc này.

Khi nào cần sử dụng thuốc chống huyết khối?

Thuốc chống kết tập tiểu cầu thường được sử dụng trong những trường hợp sau:

- Phòng ngừa nhồi máu não tái phát, nhồi máu cơ tim tái phát, sau đặt stent mạch vành, sau mổ bắc cầu động mạch vành.

- Phòng ngừa nhồi máu não hoặc nhồi máu cơ tim ở người có nhiều yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch do xơ vữa như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh động mạch ngoại biên chi dưới, hẹp động mạch cảnh, phình động mạch chủ,…

Thuốc chống đông máu đường uống thường được dùng cho những chỉ định sau:

- Thuốc kháng vitamin K: dùng trong van tim cơ học, van tim sinh học, rung nhĩ, huyết khối trong buồng tim, huyết khối tĩnh mạch sâu 2 chân, huyết khối động mạch phổi,…

- Thuốc kháng đông uống mới (NOACs): chỉ định trong rung nhĩ có nguy cơ tắc mạch cao (điểm CHA2DS2- VASc ≥ 2), huyết khối tĩnh mạch, thuyên tắc phổi, huyết khối buồng tim, phòng ngừa huyết khối sau mổ xương khớp hoặc bệnh nặng nằm bất động kéo dài, phòng ngừa huyết khối do ung thư,…

Cần theo dõi gì khi uống thuốc chống huyết khối?

Biến chứng thường gặp là chảy máu khi uống lâu dài các loại thuốc này. Thuốc chống kết tập tiểu cầu thường gây chảy máu đường tiêu hóa như đi cầu phân đen, đi cầu ra máu đỏ bầm hoặc đỏ tươi. Thuốc chống đông uống cũng thường gây chảy máu rỉ rả ở dạ dày, ruột và đường tiểu. Một số ít trường hợp có thể gây chảy máu não, nhất là khi có chấn thương đầu dù nhẹ.

Các dấu hiệu người bệnh cần lưu ý để gặp bác sĩ sớm:

- Đi cầu phân màu đen, đi cầu ra máu đỏ

- Tiểu máu đỏ tươi, chảy máu cam, nhiều vết bầm ở da xuất hiện liên tiếp

- Xây xẩm, chóng mặt, mệt mỏi

- Nhức đầu dữ dội, nôn ói, nhìn mờ hoặc lơ mơ, ngủ gà.

Mỗi lần thăm khám cần chú ý:

- Xét nghiệm công thức máu để xem số lượng hồng cầu, tiểu cầu có bị giảm không.

- Xét nghiệm chức năng thận (creatinine máu, độ lọc cầu thận) để chỉnh liều thuốc chống đông uống thế hệ mới định kỳ mỗi 3 tháng. Nếu chức năng thận suy giảm nặng, không dùng được thuốc này hoặc phải giảm liều để tránh biến chứng máu loãng quá mức cho phép.

- Xét nghiệm INR đối với bệnh nhân uống thuốc kháng vitamin K (acenocoumarol hoặc warfarin) để điều chỉnh liều thuốc ở mỗi lần thăm khám.

Ngày nay sử dụng thuốc chống huyết khối ở bệnh nhân tim mạch rất phổ biến. Thuốc có hiệu quả ngăn ngừa bệnh tật và tử vong. Bên cạnh đó thuốc cũng có tác dụng phụ nguy hiểm cần được phát hiện sớm. Tuy nhiên, không vì những tác dụng phụ trên mà chúng ta tự ý ngưng hay giảm liều thuốc. Người bệnh nên hỏi bác sĩ điều trị về chỉ định dùng thuốc ngừa huyết khối của mình, thời gian dùng trong bao lâu và cách thức liên lạc với bác sĩ khi có dấu hiệu cảnh báo biến chứng. Bệnh nhân cần hiểu rõ về bệnh, tuân thủ điều trị và biết cách theo dõi sẽ góp phần cho điều trị thành công.

Tài liệu tham khảo:

1. https://www.hematology.org/about/history/50-years/antithrombotic-therapy