Thức ăn nào có chứa nhiều kali?

Thank Kiều.

5/10/2023

Tuần qua tôi có hai bệnh nhân lớn tuổi nhập viện vì bị hạ kali máu. Trường hợp đầu tiên là bà cụ 91 tuổi, bà đến khám vì ăn uống kém, mệt mỏi gần 1 tháng nay. Người bà gầy nhom nhưng vẻ chừng vẫn còn minh mẫn, đi lại được một mình. Sau 3 ngày nằm viện, sức khỏe của bà hồi phục, bà cụ được xuất viện với chẩn đoán tăng huyết áp, suy tim tâm trương, bệnh thận mạn. Trường hợp thứ hai là bà cụ 85 tuổi, nhập viện cũng vì mệt mỏi, ăn uống kém và mất ngủ khoảng một tuần nay. Xét nghiệm máu lúc nhập viện cho thấy chức năng thận bà xấu đột ngột so với tháng trước, kali trong máu giảm còn 2.5 mmol/L. Bà cụ có tiền sử bệnh huyết áp, hẹp mạch vành và mới mổ thay khớp háng một tháng nay. Sau khi rà soát các nguyên nhân thì bác sĩ kết luận tình trạng trên là do thời tiết nóng bức gần đây làm bà mệt mỏi, chán ăn dẫn đến thiếu nước và chất điện giải trong cơ thể. Cả hai trường hợp trên người bệnh được truyền dịch, bù chất điện giải và tư vấn với bác sĩ dinh dưỡng, hướng dẫn chế độ ăn cung cấp đủ nước, chất dinh dưỡng, khoáng chất và vitamin cho bệnh nhân, nhất là người cao tuổi có nhiều bệnh nội khoa mãn tính. Một trường hợp khác tôi gặp sáng nay thì ngược lại. Bệnh nhân nam, 54 tuổi đến tái khám định kỳ vì tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, hở van hai lá nặng, suy tim, suy thận mạn giai đoạn cuối. Xét nghiệm lần này bệnh nhân bị tăng kali máu (K: 5.6 mmol/L) do suy thận mạn gây ứ kali không đào thải được qua nước tiểu. Bệnh nhân được cho thêm thuốc để làm giảm kali máu và hướng dẫn chế độ ăn hạn chế kali.

Kali là chất điện giải có trong tế bào và dịch cơ thể. Nồng độ kali máu bình thường trong khoảng 3.5 – 5.1 mmol/L. Kali có vai trò rất quan trọng trong tế bào cơ thể người, từ tim, thận, cơ đến thần kinh. Kali giúp duy trì thể tích dịch bên trong tế bào, co cơ, hỗ trợ huyết áp và điều hòa nhịp tim. Người ta ước tính nhu cầu kali trung bình cần thiết ăn vào mỗi ngày ở người lớn là 2.300 mg ở nữ và 3.000 mg ở nam.

Kali được đào thải chủ yếu qua nước tiểu, phân và mồ hôi. Một số trường hợp bệnh nhân ăn uống kém, nôn ói, tiêu chảy hoặc sử dụng một số loại thuốc cũng có thể gây giảm kali như thuốc lợi tiểu, coirticoides,... Ngược lại, tăng kali máu hay gặp ở bệnh nhân suy thận mãn giai đoạn 4 hoặc 5 do giảm đào thải. Một số nguyên nhân khác như do thuốc (thuốc kháng viêm, giảm đau nhức), ăn nhiều thức ăn chứa kali ( trên 4.700 mg/ngày).

Hạ kali máu có thể đưa đến các triệu chứng như mệt mỏi, yếu hoặc liệt cơ, chuột rút, chướng bụng, táo bón và rối loạn nhịp tim.

Tăng kali máu có thể làm người bệnh mệt mỏi, yếu sức, nôn và buồn nôn, khó thở, đau ngực, tim đập hồi hộp, không đều, nặng hơn nữa là ngưng tim và đột tử.

Dấu hiệu nhận biết tăng hoặc giảm kali máu không đặc trưng, trùng lắp với nhiều bệnh khác. Để xác định được bất thường chỉ có cách duy nhất là xét nghiệm máu, đo ion đồ (gồm natri và kali máu). Khi kali máu giảm ≤ 2.5 mmol/L hoặc tăng ≥ 6.0 mmol/L người bệnh cần nhập viện điều trị. Khi kali máu ≤ 2.0 mmol/L hoặc ≥ 6.5 mmol/L người bệnh có nguy cơ rối loạn nhịp tim và ngưng tim nên cần được xử trí tích cực hơn.

Điều trị hạ kali máu bằng cách truyền kali, uống viên kali và chế độ ăn cung cấp nhiều kali trong thực phẩm.

Điều trị tăng kali máu bao gồm lọc máu, dùng các thuốc truyền tĩnh mạch hoặc uống (lợi tiểu, calcium gluconate, natribicarbonate, insulin, calcium polystyrene sulfonate,...) và chế độ ăn hạn chế kali.

Người bệnh cần biết những thực phẩm có nhiều kali để bổ sung khi cần hoặc tránh nếu cần phải kiêng cữ. Những thức ăn có chứa nhiều kali như chuối, khoai tây, trái bơ, nước dừa tươi, dưa hấu, dưa lưới, hạt hướng dương, hạt điều, hạt hạnh nhân, bí ngô nấu chín, nho khô, quả mận khô, mơ khô, cà chua nghiền, cá hồi, thịt bò, ức gà, nước ép cam, sản phẩm bơ sữa, yogurt,...

Bảng liệt kê hàm lượng các loại thực phẩm chứa nhiều kali:

1 cốc: tương đương 250 mL

Tài liệu tham khảo:

1. https://www.hsph.harvard.edu/nutritionsource.

2. https://library.teladochealth.com