Suy tim là gì, nguyên nhân và các giai đoạn của bệnh suy tim?

Tim có chức năng như một cái máy bơm: hút máu về và bơm máu đi đến các cơ quan. Suy tim là tình trạng tim không làm tốt một trong hai chức năng trên hoặc cả hai, dẫn đến ứ máu ở ngoại biên và thiếu máu nuôi các cơ quan trong cơ thể.

SỨC KHỎE

Thank Kiều

5/21/2023

Suy tim là gì?

Tim của con người có 4 buồng: hai tâm nhĩ và 2 tâm thất. Tâm nhĩ nối với các tĩnh mạch dẫn máu về tim (tĩnh mạch chủ nối vào nhĩ phải, tĩnh mạch phổi nối vào nhĩ trái), tâm thất nối với đại động mạch, dẫn máu từ tim đến các cơ quan (thất phải nối với động mạch phổi, thất trái nối với động mạch chủ). Tim có chức năng như một cái máy bơm: hút máu về và bơm máu đi đến các cơ quan. Suy tim là tình trạng tim không làm tốt một trong hai chức năng trên hoặc cả hai, dẫn đến ứ máu ở ngoại biên và thiếu máu nuôi các cơ quan trong cơ thể. Từ đó gây ra các triệu chứng như phù chân, nặng bụng, đầy hơi, khó thở, đau tức ngực, hồi hộp, mệt khi gắng sức. Bệnh có thể xảy đến đột ngột hoặc diễn tiến từ từ.

Hình: Giải phẫu trái tim

Phân loại suy tim

Có nhiều cách phân loại suy tim, nhưng hai phân loại dưới đây thường dùng trong điều trị:

- Suy tim tâm thu là suy chức năng bơm máu của tim, còn gọi là suy tim phân xuất tống máu giảm (PXTM ≤ 40%). Suy tim tâm trương là suy chức năng hút máu về tim, còn gọi là suy tim phân xuất tống máu bảo tồn.

- Suy tim cấp là suy tim xảy ra đột ngột trong thời gian ngắn, người bệnh phải đến bệnh viện cấp cứu ngay lập tức. Suy tim mãn là tình trạng bệnh diễn tiến từ từ qua nhiều năm tháng và nặng dần lên.

Suy tim có nguy hiểm không?

Tỉ lệ tử vong 5 năm sau khi được chẩn đoán suy tim là 50%, cao hơn tử vong do một số bệnh ung thư thường gặp như ung thư vú, ung thư đại trực tràng và ung thư máu. Bệnh nhân nhập viện vì suy tim cấp có tỉ lệ tử vong trong vòng 30 ngày khoảng 16%. Do vậy, nếu không điều trị tích cực suy tim, bệnh sẽ tiến triển nặng dần lên, tái nhập viện nhiều lần và sau cùng là tử vong.

Các nguyên nhân dẫn đến suy tim?

Các nguyên nhân thường gặp có thể đưa đến suy tim:

- Bệnh động mạch vành

- Tăng huyết áp

- Bệnh van tim

- Bệnh cơ tim: bệnh cơ tim dãn nở, bệnh cơ tim phì đại, bệnh cơ tim hạn chế

- Rối loạn nhịp tim

- Viêm cơ tim

- Rượu, chất kích thích, một số thuốc điều trị ung thư

- Bệnh tim bẩm sinh

- Bệnh về rối loạn chuyển hóa

Các giai đoạn của bệnh suy tim

Theo phân loại của hiệp hội Tim Hoa Kỳ và châu Âu, suy tim được chia làm 4 giai đoạn.

- Giai đoạn A là có nguy cơ suy tim. Người bệnh có các bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu,…. Hiện tại những người này chưa có bất thường về cấu trúc và chức năng tim, nhưng về sau có thể mắc suy tim.

- Giai đoạn B là tiền suy tim. Người bệnh đã có bất thường về cấu trúc và chức năng tim (như tim dày, hẹp hở van tim, phân xuất tống máu thấp…) hoặc có tăng chất sinh học suy tim (BNP hoặc NT-ProBNP) trong máu nhưng chưa có biểu hiện triệu chứng suy tim.

- Giai đoạn C là suy tim có triệu chứng. Người bệnh có bất thường về cấu trúc và chức năng tim, có biểu hiện các triệu chứng của suy tim hiện tại hoặc trước đây như khó thở, đau ngực, hồi hộp, mệt khi gắng sức.

- Giai đoạn D là suy tim tiến triển. Bệnh nhân có triệu chứng suy tim nặng, xảy ra cả lúc nghỉ, tái nhập viện nhiều lần dù đã điều trị tối đa hết các cách, không đáp ứng với điều trị hoặc cần phải dùng các biện pháp hỗ trợ tim nhân tạo và có chỉ định ghép tim.

Phân giai đoạn của suy tim có ích trong phòng ngừa và điều trị bệnh. Ở giai đoạn A, chúng ta điều trị tích cực các bệnh lý nền để ngăn ngừa diễn tiến đến suy tim. Ở giai đoạn B, cần điều trị các bệnh cấu trúc tim như mổ van tim, mổ bắc cầu hoặc đặt stent bệnh hẹp động mạch vành, nong van tim, sửa chữa bệnh tim bẩm sinh,…. Đến giai đoạn C, mục tiêu điều trị là làm chậm tiến triển của bệnh và kéo dài đời sống. Đối với giai đoạn D (suy tim giai đoạn cuối) phần lớn người bệnh được điều trị giảm nhẹ và đưa vào danh sách chờ ghép tim.

Tài liệu tham khảo:

  1. Roger et al JAMA 2004;292:344-50.

  2. National HF audit 2013/14: www.ucl.ac.uk/nicor/audits/heartfailure/documents/annualreports/hfannual13-14.

  3. Loehr et al. Am J Cardiol 2008;101:1016–22; 4. Chen et al. JAMA 2011;306:1669–78; 5. Roger et al. Circulation 2012;125:e2–220; 6. McMurray et al.. Eur Heart J 2012;33:1787–847.

  4. Khariton Y, et al. JACC Heart Fail 2018:6;465-473.

  5. National Cancer Institute. Cancer stat fact sheets. Available at: http://seer.cancer.gov/statfacts. Accessed 31 May 2016.

  6. McDonagh TA et al. 2021 ESC Guidelines for the diagnosis and treatment of acute and chronic heart failure. Eur H J (2021), 00, 1-128. doi:10.1093/eurheartj/ehab368.