Rung nhĩ: nguyên nhân và chẩn đoán

Theo một nghiên cứu cho thấy năm 2010, toàn thế giới ước tính có 33.5 triệu người bị rung nhĩ, con số này dự đoán tiếp tục tăng lên do tuổi thọ của con người ngày càng cao, đặc biệt ở nữ giới. Theo thống kê ở Hoa Kỳ, tỉ lệ mắc rung nhĩ ở người trên 65 tuổi là 9%, cao gấp 4.5 lần so với người trẻ hơn.

SỨC KHỎE

Thank Kiều

5/26/2023

Rung nhĩ là gì?

Rung nhĩ là tên của một loại bệnh về rối loạn nhịp tim. Bình thường tim được phát nhịp bởi nút xoang, nằm ở phía trên tâm nhĩ phải, gần chỗ đổ vào của tĩnh mạch chủ trên. Khi nút xoang phát nhịp, xung động điện đi theo các đường dẫn truyền đã định sẵn đến nút nhĩ thất, rồi xuống tâm thất, gây ra hoạt động co bóp của tim. Mỗi một xung động điện phát ra từ nút xoang, tương ứng với một lần tim co bóp hay còn gọi là một nhịp tim. Trong rung nhĩ, nút xoang không còn giữ vai trò làm chủ nhịp, xung động điện đi ra từ rất nhiều điểm bất thường ở cơ tâm nhĩ, làm tâm nhĩ không còn co bóp nhịp nhàng đồng bộ nữa mà nó bị “rung lên”, máu không được bóp xuống tâm thất, ứ trệ ở nhĩ và tiểu nhĩ (là một ngách nhỏ trong nhĩ) dễ tạo nên cục máu đông. Ngoài ra, xung động điện bất thường ồ ạt từ nhĩ đi qua nút nhĩ thất, dù bị chặn lại một phần nhưng vẫn làm số lần co bóp tâm thất tăng lên gây triệu chứng hồi hộp, tim đập nhanh và không đều.

Hình: Hoạt động nhịp xoang bình thường (bên trái) và rung nhĩ (bên phải).

Nhịp tim bình thường là nhịp xoang, đều đặn, đồng bộ từ nhĩ xuống thất, tần số từ 60 – 100 lần/phút. Trong rung nhĩ, nhịp tim không đều, không có chu kỳ hay quy luật, co bóp của nhĩ và thất không đồng bộ, tần số co bóp của thất thường nhanh từ 100 – 180 lần/phút.

Nguyên nhân nào dẫn đến bệnh rung nhĩ?

Các bất thường về cấu trúc tim gây dãn tâm nhĩ, viêm hoặc sợi hóa cơ tâm nhĩ là nguyên nhân thường gặp nhất gây rung nhĩ. Những nguyên nhân có thể là:

- Liên quan đến bệnh tim mạch: bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, bệnh van tim (thường nhất là hẹp hoặc hở van hai lá), tăng huyết áp, suy tim, suy nút xoang, sau phẫu thuật tim, bệnh tim bẩm sinh, hội chứng kích thích sớm ( hội chứng Wolff- Parkinson- White),…

- Không liên quan đến tim mạch: bệnh phổi mạn tắc nghẽn, cường giáp, ngưng thở khi ngủ, chất kích thích,…

Một số ít trường hợp rung nhĩ nhưng không có bệnh tim cấu trúc hay bệnh nội khoa gì khác, thường gặp ở người trẻ, được gọi là rung nhĩ đơn độc (lone atrial fibrillation).

Các yếu tố nguy cơ nào làm tăng rung nhĩ?

Khi có các yếu tố này, người bệnh dễ bị rung nhĩ hơn gấp nhiều lần so với người bình thường. Các nghiên cứu cho thấy người cao tuổi, người có bệnh tim mạch, huyết áp cao là nhóm dễ mắc rung nhĩ nhất. Cứ khoảng 5 người trên 80 tuổi thì có 1 người bị rung nhĩ. Tăng huyết áp làm cho nguy cơ rung nhĩ cao hơn 50% ở nam giới, 40% ở nữ giới, là yếu tố nguy cơ đứng hàng thứ 4 sau suy tim, tuổi cao và bệnh van tim. Béo phì cũng là yếu tố tăng nguy cơ rung nhĩ đứng ngay sau bệnh tăng huyết áp. Một số bệnh lý nội khoa khác như cường giáp, đái tháo đường, bệnh phổi mạn tắc nghẽn, bệnh thận mãn, ngưng thở khi ngủ, hội chứng chuyển hóa,… cũng làm tăng khả năng mắc rung nhĩ hơn bình thường. Uống rượu bia có thể làm khởi phát cơn rung nhĩ.

Triệu chứng của bệnh rung nhĩ

Nhiều trường hợp bệnh nhân không ghi nhận triệu chứng gì trước đó cho đến khi bị đột quỵ hoặc tình cờ phát hiện khi khám sức khỏe. Một số khác có triệu chứng hồi hộp, tim đập không đều, mệt mỏi, đau ngực, khó thở, choáng váng, nhẹ đầu, giảm khả năng làm việc gắng sức. Khi nghe tim thì tim đập loạn nhịp hoàn toàn, có thể nghe thấy tiếng thổi của hở hoặc hẹp van tim.

Chẩn đoán bệnh rung nhĩ

Để chẩn đoán xác định bệnh rung nhĩ cần phải ghi được điện tâm đồ 12 chuyển đạo hoặc nhật ký điện tâm đồ (Holter ECG) trong ngày. Đặc điểm điện tim là không còn sóng P bình thường, đường biểu diễn có thể có dạng răng cưa, các phức bộ của tim cao thấp và xa gần không đều nhau và không theo một chu kỳ nào cả.

Khi xác định có rung nhĩ, người bệnh cần siêu âm tim để tìm các bất thường cấu trúc tim như bệnh van tim, dãn buồng tim, suy tim… và làm thêm một số cận lâm sàng khác để tìm nguyên nhân rung nhĩ, trong đó bắt buộc có TSH (chức năng tuyến giáp).

Một số thể lâm sàng của rung nhĩ:

- Rung nhĩ đơn độc: rung nhĩ không kèm theo bất thường cấu trúc tim cũng như các bệnh nội khoa khác.

- Rung nhĩ kịch phát (rung nhĩ cơn): xảy ra từ vài phút đến vài giờ, thường tự ra cơn.

- Rung nhĩ kéo dài: rung nhĩ thường xuyên, không tự ra cơn, có thể kéo dài trên 12 tháng. Nếu người bệnh có triệu chứng, có thể cắt cơn bằng sốc điện hoặc bằng thuốc, duy trì về nhịp xoang bình thường.

- Rung nhĩ mạn (hay rung nhĩ vĩnh viễn): người bệnh sống chung suốt đời với rung nhĩ, dùng thuốc kiểm soát không để tần số tim quá nhanh. Rung nhĩ dạng này không thể chuyển trở về nhịp xoang bình thường được.

Tài liệu tham khảo:

1. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/atrial-fibrillation/symptoms-causes/syc-20350624