Quà tặng

Sau khi khám bệnh, về phòng ngồi ghi hồ sơ thì có người đến tặng quà. Cô nói có món quà là giỏ cam mới đem ở quê lên (mà chính xác chắc là quê bên Úc!). Người bệnh đang nằm viện mà tặng quà thì bác sĩ và nhân viên rất áp lực.

NHẬT KÝ

Thank Kiều

6/3/2023

Sáng sớm đi thăm một bệnh nhân quen mới vô viện, nằm ở khoa khác. Khi tôi đến thăm ông bà vui mừng lắm. Ông 72 tuổi, đã mổ thay van tim nhân tạo hơn 10 năm, mới mổ lấy máu tụ trong não cách nay khoảng 4 tháng, lần này ông bị máu tụ trong não tái phát phải nhập viện lại. Ông bà trông buồn và lo lắng lắm. Tôi cũng không biết động viên, an ủi thế nào. Bà cứ gửi gắm, gọi tôi bằng “con”, nói tôi cố gắng giúp ông, chứ giờ không biết trông cậy vào đâu.

Sau khi đi một vòng khám bệnh xong, tôi về phòng ngồi ghi hồ sơ thì có người đến gặp tặng quà. Cô nói có món quà là giỏ cam mới đem ở quê lên (mà chính xác chắc là quê bên Úc!). Người bệnh đang nằm viện mà tặng quà thì bác sĩ và nhân viên rất áp lực. Đúng ra là không nên nhận, nhưng sợ làm vậy bệnh nhân buồn, không yên tâm nên không đành từ chối! Người bệnh nằm viện thì bác sĩ phải chăm sóc thôi, không nghĩ gì đến quà cáp. Hai bên thấu hiểu nhau, tôn trọng và cùng phối hợp để điều trị bệnh có kết quả tốt là quan trọng nhất. Mỗi khi người bệnh khỏe lại, được ra viện sớm đã là món quà khích lệ rất lớn đối với bác sĩ và nhân viên y tế. Có những người bệnh tôi điều trị đã hơn chục năm, chưa bao giờ tặng quà gì, nhưng mối quan hệ rất thân thiết, tôi lại cảm thấy rất thoải mái vì điều đó. Cho nên khi người bệnh nằm viện thì cứ tập trung điều trị, đừng tốn thời gian lo nghĩ quà cáp cho bác sĩ làm gì nhé!

Mà hôm nay là ngày tôi được nhận quà hay sao ấy! Cuối buổi trưa khi tôi đang làm hồ sơ cho bệnh nhân ra viện thì điện thoại reo lên. Đầu bên kia là giọng nói quen thuộc của một bác bệnh nhân “Bác Hai gởi quà cho con hôm qua, con nhận được chưa, cho bác Hai hay?” Ông cụ đã 90 tuổi, còn rất minh mẫn, năm ngoái có nằm viện một đợt vì suy tim. Sau lần nằm viện đó ông hay điện thoại để hỏi về thuốc men. Ông tâm sự có 4 người con, đều thành đạt và sống ở nước ngoài, ông sống ở đây một mình với cháu, tuổi tôi còn nhỏ hơn con gái út của ông. Ông nói rất quý tôi và thỉnh thoảng muốn được điện thoại nói chuyện. Lần nào kết thúc cuộc gọi ông cũng nói “Thương mến Dr Thanh Kiều!”.

Có lần tôi đã đọc được câu “ Cure sometimes - Treat often - Comfort always”, tạm dịch là “Đôi khi chữa khỏi, thường xuyên điều trị và luôn luôn an ủi”. Công việc của bác sĩ là thỉnh thoảng mới chữa được khỏi bệnh hoàn toàn; thường thường thì điều trị giảm triệu chứng như khi sốt cho thuốc hạ sốt, viêm khớp thì cho thuốc giảm đau, huyết áp cao thì dùng thuốc hạ áp. Điều sau cùng là bác sĩ phải luôn luôn an ủi, xoa dịu người bệnh. Khả năng của con người có giới hạn, bác sĩ cũng không ngoại lệ nên có những trường hợp không thể giúp được cho người bệnh như kỳ vọng của họ. Những lúc như vậy, điều trị giảm nhẹ là cách duy nhất để làm họ thấy nhẹ nhàng hơn.

Bác sĩ khi điều trị cho bệnh nhân cũng đặt tình cảm của mình ở trong đó dù nói hay không nói ra. Mỗi bệnh nhân là một câu chuyện mà bác sĩ cần có thời gian để tìm hiểu, thường với tôi thì cần ít nhất hai ngày nằm viện trở lên để làm điều đó. Khi hai bên đã thông hiểu nhau thì việc điều trị sẽ dễ dàng hơn. Mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân không phải chỉ có một chiều mà cần có tương tác qua lại. Người bệnh tin tưởng bác sĩ, bác sĩ thương quý bệnh nhân thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp.

Tôi rất biết ơn những người đã yêu quý mình. Tình cảm người bệnh dành cho tôi là món quà tinh thần vô giá. Không cần hoa, không cần bánh trái mà vẫn cảm nhận được sự chân thành với nhau!

(P/S: nhưng mà nếu có thì chắc… vui hơn! Ahihi!)