Những hiểm họa từ bệnh béo phì ở trẻ em

Theo cảnh báo của tổ chức y tế thế giới (WHO) và hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ đã coi béo phì là bệnh mạn tính cần được điều trị lâu dài bởi vì bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như tiểu đường, bệnh tim mạch, huyết áp cao, rối loạn mỡ máu, chứng ngưng thở khi ngủ, thoái hóa khớp, gan nhiễm mỡ và một số bệnh ung thư khi trưởng thành. Hậu quả sau cùng là giảm chất lượng cuộc sống và tuổi thọ.

SỨC KHỎE

Thank Kiều

6/16/2023

Theo một khảo sát ở Việt Nam năm 2020, tỉ lệ trẻ em béo phì từ 5 đến 19 tuổi đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua, từ 2010 đến 2020, cao nhất ở thành thị (26.8%) và thấp nhất ở vùng núi (6.9%).

Theo cảnh báo của tổ chức y tế thế giới (WHO) và hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ đã coi béo phì là bệnh mạn tính cần được điều trị lâu dài bởi vì bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như tiểu đường, bệnh tim mạch, huyết áp cao, rối loạn mỡ máu, chứng ngưng thở khi ngủ, thoái hóa khớp, gan nhiễm mỡ và một số bệnh ung thư khi trưởng thành. Hậu quả sau cùng là giảm chất lượng cuộc sống và tuổi thọ.

Tiêu chuẩn chẩn đoán béo phì ở trẻ em:

- Trẻ nhỏ < 2 tuổi: dựa vào biểu đồ cân nặng theo chiều cao, tuổi và giới. Biểu đồ tăng trưởng này được in trong sổ sức khỏe của bé khi đi khám sức khỏe hoặc tiêm ngừa. Dựa vào biểu đồ này chúng ta biết cân nặng của con trong vùng suy dinh dưỡng, khỏe mạnh, dư cân hoặc béo phì.

- Trẻ từ 2 đến 19 tuổi: tính BMI (Body Mass Index: chỉ số khối cơ thể) theo chiều cao, cân nặng rồi quy chiếu theo tuổi và giới tính. Nếu BMI nằm trong khoảng bách phân vị 5% đến < 85% là khỏe mạnh, từ 85% đến < 95% là dư cân, từ 95% trở lên là béo phì. Nói thì có vẻ khó hiểu, nhưng chúng ta có thể tính được dễ dàng nhờ công thức được lập trình sẵn khi gõ vào đường link sau “https://tienichnho.com/tinh-chi-so-bmi-tre-em-va-thanh-nien”.

- Từ 20 tuổi trở lên: tính theo công thức của người lớn, BMI = Cân nặng (kg)/Chiều cao (m)*2. Chỉ số BMI ≥ 25 là dư cân, BMI ≥ 30 là béo phì.

Nguyên nhân chính của dư cân và béo phì là do trẻ được ăn quá nhiều nhưng lại ít vận động. Ngoài ra, yếu tố di truyền và nội tiết cũng có thể là nguyên nhân của béo phì.

Các yếu tố nguy cơ của bệnh béo phì trẻ em

Có nhiều yếu tố nguy cơ có liên quan và thường kết hợp với nhau:

- Chế độ ăn: ăn các loại thức ăn giàu năng lượng như thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ, bánh ngọt, kẹo, nước ngọt, nước tăng lực, đồ ăn vặt, mì gói…

- Thiếu vận động thể lực: trẻ xem tivi, chơi ipad, điện thoại nhiều giờ, ít chịu ra ngoài, không đi bộ, không chơi thể thao và không tham gia các hoạt động ngoài trời nên ít tiêu tốn năng lượng, tích trữ mỡ gây béo phì.

- Yếu tố gia đình: trẻ em sống trong gia đình có nhiều người béo phì thì cũng có nguy cơ mắc bệnh này cao. Nguyên nhân có thể là do di truyền, nhưng phần lớn là do môi trường sống, cách thức ăn uống giống nhau kết hợp với thói quen ít vận động.

- Yếu tố tâm lý: cá nhân, cha mẹ hoặc gia đình bị stress dễ làm cho con cái mắc béo phì do trẻ buồn chán, rối loạn tâm lý nên ăn uống quá mức.

- Yếu tố kinh tế xã hội: ở phương tây, tỉ lệ trẻ béo phì trong gia đình có mức thu nhập thấp cao hơn những gia đình khá giả. Có lẽ do cách ăn uống, ăn nhiều thức ăn nhanh, đông lạnh, chế biến sẵn cho tiện lợi, không tập thể dục. Điều này có lẽ hơi khác biệt ở nước ta, trẻ con trong gia đình thu nhập cao được ăn uống dư thừa, có điều kiện chơi game, chơi thiết bị điện tử, xem tivi nhiều nên dễ bị dư cân, béo phì hơn.

- Một số thuốc: trẻ có bệnh mãn tính phải uống lâu dài một số loại thuốc có thể gây tăng cân như prednisone, lithium, amitriptyline, paroxetine, gabapentin.

Biến chứng của bệnh béo phì

Trẻ em bị béo phì về sau có nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần và xã hội. Trẻ có nguy cơ cao bị gãy xương, tăng huyết áp, đề kháng insulin và rối loạn tâm lý. Theo một tổng kết năm 2019 cho thấy trẻ em béo phì tăng 1.4 lần bị tiền tiểu đường, 1.7 lần hen suyễn, 4.4 lần huyết áp cao và 26 lần bị bệnh gan nhiễm mỡ so với người khỏe mạnh.

- Đái tháo đường type 2: do trẻ có thói quen ăn nhiều đường, ít vận động, đề kháng insulin nên dễ mắc bệnh tiểu đường khi lớn lên.

- Tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu xảy ra sớm, dễ bị xơ vữa động mạch, đưa đến nhồi máu cơ tim hay đột quỵ sớm hơn người không béo phì.

- Đau khớp: do các khớp gối, hông và cột sống phải chịu sức nặng của cơ thể nên dễ bị chấn thương hay thoái hóa gây đau.

- Bệnh đường thở: trẻ béo phì dễ bị mắc hen suyễn. Ngoài ra trẻ còn bị chứng ngưng thở khi ngủ, ngủ ngáy, do đường thở bị đè ép lúc ngủ, lâu ngày sẽ đưa đến bệnh huyết áp cao, rung nhĩ và suy tim.

- Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu: thường không gây triệu chứng gì, phát hiện được khi làm siêu âm bụng. Gan nhiễm mỡ lâu ngày gây xơ sẹo và tổn thương gan, tăng men gan, xơ gan.

- Ngoài ra trẻ có thể gặp một số vấn đề về tâm lý xã hội như bị chọc ghẹo, các bạn không cho chơi cùng nên con bị mặc cảm, thiếu tự tin và dễ bị trầm cảm.

Béo phì là bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa được

- Cha mẹ làm gương cho con cái về cách ăn uống tốt, cả nhà đều tham gia các hoạt động vui chơi để trẻ cùng tham gia, không thấy bị lẻ loi. Hướng dẫn trẻ uống nhiều nước, ăn đầy đủ các chất, bổ sung chất xơ từ trái cây, rau củ quả. Không ăn mì gói, gà chiên, xúc xích, thịt chiên, không uống nước ngọt,... Nên cho trẻ phụ giúp trong việc nấu ăn để giúp trẻ biết chọn lựa thức ăn tốt cho sức khỏe.

- Có sẵn đồ ăn nhẹ lành mạnh như bỏng ngô không bơ, trái cây, sữa tươi không đường, sữa chua ít béo, ngũ cốc nguyên hạt. Không nên tập cho trẻ thói quen ăn đêm trước khi đi ngủ.

- Tập cho trẻ ăn món mới nhiều lần nếu lần đầu trẻ không thích, tập nhiều lần với một loại thực phẩm để trẻ quen sẽ dễ chấp nhận món ăn hơn.

- Chọn phần thưởng không phải là thức ăn, thay vào đó là các hoạt động vui chơi có ích. Không thưởng bánh kẹo khi con có hành vi tốt, thay vào đó dẫn con đi công viên, đi nhà sách hoặc tham quan sở thú,…

- Cho trẻ ngủ đủ giấc: một số nghiên cứu cho thấy trẻ em ngủ quá ít làm tăng nguy cơ béo phì. Thiếu ngủ có thể gây mất cân bằng nội tiết tố dẫn đến tăng cảm giác thèm ăn.

- Cha mẹ nên dành nhiều thời gian cho con, dẫn con ra ngoài chơi, tâm sự, nói chuyện với con nhiều hơn để con tự có ý thức chăm sóc sức khỏe bản thân ngay từ nhỏ. Việc thay đổi thói quen và hành vi ăn uống của trẻ béo phì khó hơn rất nhiều so với việc dạy trẻ từ sớm.

- Phối hợp với nhà trường khi trẻ đi học để can thiệp về chế độ ăn, tăng cường hoạt động thể chất và giáo dục sức khỏe cho trẻ. Ngoài cha mẹ, trẻ em thường rất tin tưởng ở thầy cô.

Béo phì ở trẻ em là vấn đề sức khỏe rất được quan tâm hiện nay. Nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất và tinh thần của trẻ trong tương lai. Bệnh có thể phòng tránh được nếu chúng ta có hiểu biết và ý thức từ sớm. Chúng ta hãy phòng ngừa bệnh béo phì cho con em ngay từ nhỏ để không phải điều trị các biến chứng của bệnh sau này.

Tài liệu tham khảo:

1. https://www.cdc.gov/obesity/data/childhood.html

2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/childhood-obesity/