Những điều cần lưu ý khi điều trị bệnh tiểu đường

Mục tiêu điều trị cần đạt được khi đo đường trong máu: - Đường huyết lúc đói: 80-130 mg/dL (tức nhỏ hơn 7 mmol/L) - Chỉ số đường huyết sau ăn: nhỏ hơn 180 mg/dL (10 mmol/L) - Giá trị HbA1C < 7%

SỨC KHỎE

Thank Kiều

6/10/2023

Mục tiêu điều trị cần đạt được khi đo đường trong máu:

- Đường huyết lúc đói: 80-130 mg/dL (tức nhỏ hơn 7 mmol/L)

- Chỉ số đường huyết sau ăn: nhỏ hơn 180 mg/dL (10 mmol/L)

- Giá trị HbA1C < 7%

Những dấu hiệu gợi ý đường máu cao

- Mệt mỏi, thay đổi tâm trạng, dễ cáu gắt, nóng giận

- Khô miệng, khát nước

- Tiểu đêm nhiều

Các dấu hiệu gợi ý hạ đường huyết

- Bủn rủn tay chân, hồi hộp tim đập nhanh, mờ mắt, chóng mặt, lừ đừ, ngủ gà hoặc hôn mê.

- Nếu có các triệu chứng nghi ngờ hạ đường huyết thì cho người bệnh ngậm một viên kẹo hay uống một ly sữa.

- Nếu bắt gặp một người có bệnh tiểu đường ngủ gà hoặc hôn mê thì cho uống ngay một cốc sữa hoặc nước đường hay tiêm 50 gram đường glucose vào tĩnh mạch, và sau đó đưa vào bệnh viện cấp cứu ngay.

Những sai lầm thường gặp

1. Khi xét nghiệm thấy đường máu bình thường thì nghĩ rằng mình đã khỏi bệnh, có người không uống thuốc hoặc tiêm thuốc nữa, có người thì ăn uống không kiêng cữ. Hậu quả lần khám sau đường máu tăng cao, lúc đó lại lo lắng và hoang mang. Đường huyết đo lúc đói phản ánh số lượng mình đã ăn ngày hôm trước đó. Nếu nhịn cả ngày thì hôm sau xét nghiệm đường máu sẽ thấp. Có người bệnh vì sợ đường máu cao lúc tái khám nên đã nhịn ăn cả một ngày trước để xét nghiệm cho được con số đẹp. HbA1c là xét nghiệm phản ánh đường huyết trong 3 tháng gần nhất. Nếu đường huyết thường xuyên ổn định thì HbA1c thấp, ngược lại nếu đường huyết lúc đói hoặc sau ăn thường xuyên cao thì kết quả này cao. Cho nên định kỳ mỗi 3 tháng bác sĩ sẽ kiểm tra con số này cho người bệnh để đánh giá mức độ ổn định của đường huyết. Nếu đường huyết lúc đói thấp, HbA1c cao thì biết là đường máu vẫn chưa ổn. Cho nên dù đường huyết nằm trong ngưỡng bình thường vẫn cần duy trì các thuốc đang sử dụng.

2. Nóng lòng muốn giảm đường trong máu nhanh nên đã tập luyện quá mức, bỏ bữa ăn trong khi đang uống thuốc hạ đường nên dễ dẫn đến biến chứng hạ đường huyết hoặc hôn mê. Người bệnh nên có chế độ ăn uống, sinh hoạt và tập luyện ổn định.

3. Khi có triệu chứng hạ đường huyết thì ngưng hoặc bỏ uống thuốc luôn. Người bệnh nên đến bác sĩ khám để tìm nguyên nhân và điều chỉnh thuốc cho phù hợp, không nên tự ý ngưng thuốc.

4. Nghe thông tin không chính xác trên mạng xã hội rằng bệnh tiểu đường có thể chữa khỏi hoàn toàn bằng loại thuốc nào đó. Thật ra đã có rất nhiều bệnh nhân uống thuốc không rõ nguồn gốc nhập viện với các biến chứng nguy hiểm.

5. Một số bệnh nhân sau khi được chẩn đoán và điều trị, thay đổi lối sống tích cực, tiết chế hợp lý nên đường huyết ổn định, có thể ngưng được thuốc. Tuy nhiên, người bệnh vẫn nên theo dõi lượng đường trong máu của mình thường xuyên.

6. Một số trường hợp tiểu đường nhiều năm, uống nhiều thuốc, kể cả chích insulin, nay đường huyết trở nên ổn định hoặc thấp thì phải kiểm tra lại chức năng thận. Khi suy thận, đào thải insulin giảm nên tích tụ trong cơ thể và làm đường huyết giảm nhiều hơn.

7. Khi mắc bệnh khác thường ngưng thuốc tiểu đường do sợ uống nhiều thuốc. Khi có bệnh khác đường máu có thể cao hoặc thấp hơn thường ngày, những lúc này nên đến bác sĩ khám để được chỉnh thuốc phù hợp, tránh biến chứng cấp tính do tăng hoặc giảm đường máu.

8. Khi làm xét nghiệm đường huyết đói buổi sáng cần nhịn ăn ít nhất 8 giờ, chỉ được uống nước lọc, không ăn gì, không uống café, hay ngậm kẹo trước khi làm xét nghiệm máu.

Trên đây là những điều người bệnh cần lưu ý khi điều trị bệnh tiểu đường.