Những điều cần biết về bệnh tiểu đường (2)

Đường (hay glucose) là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng cho tế bào của cơ thể, đặc biệt là cơ, não và các mô. Đường trong máu được duy trì ổn định nhờ insulin do tuyến tụy tiết ra. Khi đường trong máu tăng cao kéo dài quá ngưỡng cho phép sẽ đưa đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

SỨC KHỎE

Thank Kiều

6/8/2023

Đường (hay glucose) là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng cho tế bào của cơ thể, đặc biệt là cơ, não và các mô. Đường trong máu được duy trì ổn định nhờ insulin do tuyến tụy tiết ra. Khi đường trong máu tăng cao kéo dài quá ngưỡng cho phép sẽ đưa đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Các biến chứng của bệnh tiểu đường

Bao gồm biến chứng cấp tính và mạn tính.

Biến chứng cấp tính như hôn mê do tăng đường huyết hay hôn mê do hạ đường huyết. Hôn mê do tăng đường huyết thường gặp khi đường huyết cao > 300 mg/dL, hay gặp ở tiểu đường type 1 hay người có bệnh nhiễm trùng cấp tính. Hôn mê do hạ đường huyết có thể xảy ra khi đường giảm < 70 mg/dL. Người bệnh có biểu hiện mệt, hồi hộp, vã mồ hôi, run tay chân, chóng mặt, xây xẩm, buồn nôn,…hoặc lừ đừ. Nếu không xử trí kịp thời người bệnh nhanh chóng đi vào hôn mê, co giật hoặc tử vong.

Biến chứng mạn tính là biến chứng xảy ra nhiều năm sau khi mắc bệnh tiểu đường. Bệnh càng lâu năm thì biến chứng càng nhiều, đặc biệt nếu không kiểm soát đường huyết tốt.

- Bệnh tim mạch như hẹp mạch vành, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tắc mạch máu ở chân (bệnh động mạch ngoại biên chi dưới).

- Bệnh thần kinh do tiểu đường: nguyên nhân là do tổn thương mạch máu nhỏ nuôi dưỡng các sợi thần kinh, đặc biệt ở hai chân, gây triệu chứng châm chích, tê cóng, nóng rát hoặc đau buốt, thường ở đầu các ngón chân hoặc ngón tay và lan từ từ lên trên. Tổn thương thần kinh có thể gây chán ăn, buồn nôn, tiêu chảy kéo dài hoặc táo bón. Ở nam giới, có thể gây bất lực.

- Bệnh thận do tiểu đường: tổn thương các mạch máu nhỏ ở cầu thận, không lọc được chất thải trong máu ra nước tiểu. Nhiều bệnh nhân tiểu đường bị tổn thương thận tiến triển đến suy thận mãn giai đoạn cuối phải lọc thận.

- Bệnh mắt do tiểu đường: tổn thương mạch máu ở đáy mắt có thể gây mù mắt.

- Bàn chân tiểu đường: rất hay gặp ở người bị bệnh tiểu đường lâu năm, do tổn thương thần kinh ở bàn chân kèm xơ vữa động mạch gây hẹp hoặc tắc mạch máu nhỏ ở xa, bàn chân được nuôi dưỡng kém, mất cảm giác nên dễ bị tổn thương mà không hay biết, cuối cùng có nguy cơ bị loét không lành ở ngón chân hay bàn chân.

- Các biến chứng khác cũng thường gặp như sa sút trí tuệ, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ,...

Làm gì để phòng ngừa biến chứng bệnh tiểu đường?

- Chăm sóc bàn chân bằng cách kiểm tra mỗi ngày xem bàn chân có vết thương, vết đứt, sưng đỏ, bóng nước, trợt xước da hoặc thay đổi của móng chân. Kiểm tra cả mặt lưng và lòng bàn chân. Mỗi tối rửa chân với nước ấm và lau khô. Không nên đi chân trần, luôn mang dép, mang vớ khi đi giầy, kiểm tra giầy xem có vật cứng nhọn bên trong trước khi mang. Chọn giầy dép mềm, vừa chân, đặc biệt là có giầy đóng riêng cho người bệnh tiểu đường.

- Khám mắt định kỳ hằng năm hoặc khi có thay đổi thị lực để điều trị sớm bệnh mắt do tiểu đường.

- Điều trị và kiểm soát đường huyết đạt mục tiêu, mức đường huyết đói < 7.0 mmol/L, HbA1c ≤ 7.0 %.

- Khám và điều trị các bệnh đi kèm như huyết áp cao, rối loạn mỡ máu

- Xét nghiệm chức năng thận mỗi 3 đến 6 tháng

- Khám tim mạch, tầm soát bệnh mạch vành khi có mệt, đau ngực khi gắng sức hoặc suy tim.

- Không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, tập thể dục đều đặn và chế độ ăn lành mạnh tốt cho sức khỏe.

Chế độ ăn cho người bệnh tiểu đường

- Bữa ăn nên có đầy đủ các chất như đường, đạm, chất béo và chất xơ để đường được hấp thu vào trong máu một cách từ từ. Nên chia nhỏ bữa ăn, ăn nhiều bữa với đa dạng thức ăn, bổ sung thêm chất xơ từ rau củ.

- Hạn chế thức ăn có nhiều chất bột đường, có chỉ số đường cao như gạo trắng, khoai tây, bánh mì trắng, bánh ngọt, bánh quy, chè, các loại mứt, nước ngọt. Ưu tiên ăn thực phẩm ít đường như sữa tươi ít béo không đường, nước cam, nước ép táo, nước cà chua, bưởi, rau, củ, quả và các loại hạt.

- Hạn chế ăn thịt mỡ, thịt đỏ, chất béo, thức ăn chiên xào, đồ ăn đóng hộp.

- Không ăn nhiều muối do người bệnh tiểu đường hay có huyết áp cao đi kèm.

- Hạn chế uống rượu bia do dễ gây biến chứng hạ đường huyết hoặc đường huyết cao khó kiểm soát.

- Nếu có thể khám với bác sĩ dinh dưỡng để tính khẩu phần ăn có mức năng lượng phù hợp với cơ thể người bệnh hoặc khi muốn giảm cân.

Bệnh tiểu đường ngày càng gia tăng, đặc biệt xảy ra ở lứa tuổi ngày càng trẻ do chế độ ăn uống, béo phì, ít vận động. Bệnh lâu ngày sẽ có nhiều biến chứng nguy hiểm, nhất là khi đường huyết không được kiểm soát tốt. Chúng ta nên điều chỉnh lối sống và chế độ ăn tốt cho sức khỏe để phòng ngừa bệnh. Khi có bệnh thì tuân thủ điều trị và tích cực phòng tránh biến chứng.

Tài liệu tham khảo:

1. https://www.cdc.gov/diabetes/basics/getting-tested.html

2. https://diabetes.org/diabetes/a1c/diagnosis

3. https://www.cdc.gov/diabetes/library/features/healthy-feet.html