Những điều cần biết về bệnh tiểu đường (1)

Tiểu đường là bệnh mãn tính, đặc trưng bởi tăng lượng đường trong máu, lâu dần đưa đến các tổn thương nghiêm trọng ở tim, mạch máu, mắt, thận và thần kinh.

SỨC KHỎE

Thank Kiều

6/8/2023

Tiểu đường là bệnh mãn tính, đặc trưng bởi tăng lượng đường trong máu, lâu dần đưa đến các tổn thương nghiêm trọng ở tim, mạch máu, mắt, thận và thần kinh.

Bệnh tiểu đường là gì?

Bệnh tiểu đường (hay còn gọi là đái tháo đường) được xác định khi có một trong các tiêu chuẩn sau:

- Đường máu lúc đói ≥ 7.0 mmol/L (hay 126 mg/dL) hoặc HbA1c ≥ 6.5%.

- Đường máu đo ngẫu nhiên ≥ 11 mmol/L (hay 200 mg/dL) kèm có triệu chứng của bệnh tiểu đường.

- Nghiệm pháp dung nạp glucose dương tính

Phân loại bệnh tiểu đường

- Tiền tiểu đường: mức đường trong máu lúc đói cao hơn mức bình thường (glucose 5.7 – 6.9 mmol/L hoặc HbA1c 5.7 – 6.4%) nhưng chưa đủ cao đến mức chẩn đoán tiểu đường. Tiền tiểu đường có thể tiến triển thành bệnh tiểu đường nếu không có biện pháp ngăn ngừa.

- Tiểu đường thai kỳ: bệnh tiểu đường xảy ra trong lúc mang thai và biến mất sau sanh. Những người này có nguy cơ tiến triển thành tiểu đường về sau khi lớn tuổi hơn.

- Tiểu đường type 1: do tuyến tụy bị bệnh, không thể tiết ra được insulin, bệnh thường hay gặp ở trẻ em và người trẻ, điều trị bằng cách tiêm insulin thay thế.

- Tiểu đường type 2: phần lớn tuyến tụy vẫn còn sản xuất được insulin nhưng không đủ để chuyển hóa đường, bệnh thường gặp ở người lớn trên 40 tuổi, tuy nhiên ngày nay tiểu đường type 2 ở người trẻ ngày càng tăng do có nhiều trẻ em bị béo phì. Điều trị bằng insulin và các thuốc hạ đường huyết khác.

Như vậy theo cách phân loại này thì bệnh tiểu đường type 2 không có nghĩa là bệnh nặng hơn tiểu đường type 1, chỉ là hai thể bệnh khác nhau.

Triệu chứng của bệnh tiểu đường:

Triệu chứng của bệnh phụ thuộc vào mức độ đường trong máu cao nhiều hay ít, đôi khi người bệnh không hề có triệu chứng gì đến khi khám và xét nghiệm máu định kỳ mới phát hiện ra có bệnh.

Bệnh tiểu đường type 1 thường có triệu chứng nhiều và nặng hơn tiểu đường type 2. Khi đường trong máu cao (> 11 mmol/L hay 200 mg/dL), người bệnh thường có nhóm triệu chứng “4 nhiều” (Ăn nhiều – Uống nhiều – Tiểu nhiều – Gầy nhiều). Bệnh nhân có cảm giác đói bụng thường xuyên nên ăn nhiều, khát nước phải uống nhiều nước và đi tiểu nhiều lần. Bệnh nhân sụt cân nhanh dù ăn uống rất được. Các triệu chứng khác có thể gặp như mệt mỏi, yếu sức, thay đổi tâm trạng, dễ cáu gắt, nhìn mờ, dễ bị nhiễm trùng ở da, nhiễm trùng tiểu, có vết loét khó lành ở ngón chân hay bàn chân.

Chẩn đoán tiểu đường:

- Dựa vào các triệu chứng gợi ý “4 nhiều” như mô tả ở trên.

- Xét nghiệm máu là tiêu chuẩn chẩn đoán xác định bệnh, khi có:

o Đường máu lúc đói ≥ 7.0 mmol/L (hay 126 mg/dL)

o Hoặc HbA1c ≥ 6.5%

o Hoặc nghiệm pháp dung nạp glucose dương tính: người bệnh được cho uống 75 gam đường glucose, sau 2 giờ đo lại nồng độ đường trong máu nếu ≥ 11 mmol/L ( hay 200 mg/dL) thì gọi là dương tính.

- Ngoài ra người bệnh cần làm thêm một số xét nghiệm khác đánh giá tim, gan, thận và mắt trước khi bắt đầu điều trị.

Nguyên nhân bệnh tiểu đường

Trước tiên ta cần biết insulin là gì? Insulin là một chất hormone do tuyến tụy sản xuất và phóng thích vào máu. Insulin có nhiệm vụ đưa đường đi vào tế bào để tạo ra năng lượng cho hoạt động cơ thể. Chất này làm giảm lượng đường lưu hành trong máu. Khi đường trong máu sụt giảm mạnh, việc tiết insulin cũng giảm theo, đảm bảo duy trì mức đường trong máu ở khoảng 80 – 100 mg/dL.

Glucose (hay đường) là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho cơ, não và các mô. Glucose trong cơ thể đến từ 2 đường: thức ăn và do gan tổng hợp. Sau khi ăn, đường được hấp thu vào máu, nhờ có insulin đường được vận chuyển vào cơ và mô để sử dụng. Gan là nơi dự trữ đường dưới dạng glycogen và sản xuất ra đường đưa vào máu trở lại khi cơ thể cần, duy trì đường huyết trong khoảng cho phép.

Bệnh tiểu đường type 1 là do tuyến tụy không sản xuất được insulin. Bệnh tiểu đường type 2 là do cơ thể đề kháng insulin, tụy vẫn sản xuất ra được insulin nhưng không đủ sử dụng để chuyển hóa đường.

Nguyên nhân chính xác gây bệnh tiểu đường thì không được biết rõ. Tuy nhiên, người ta thấy bệnh này có liên quan đến yếu tố di truyền và môi trường. Trong gia đình có thể có nhiều người cùng mắc bệnh này, nếu trong gia đình có người bị bệnh tiểu đường thì các thành viên còn lại có nguy cơ bị tiểu đường cao hơn. Yếu tố môi trường như nơi sinh sống, chủng tộc, cách thức ăn uống, sinh hoạt cũng làm tăng bệnh tiểu đường.

Làm gì để phòng ngừa bệnh tiểu đường

o Bệnh tiểu đường type 1 không phòng ngừa được. Còn lại như tiền tiểu đường, tiểu đường thai kỳ, tiểu đường type 2 cần điều chỉnh lối sống để ngừa tiến triển đến bệnh tiểu đường hoặc có biến chứng.

o Chế độ ăn khỏe mạnh: chọn ăn thức ăn ít dầu mỡ, ít năng lượng và nhiều chất xơ, ăn nhiều trái cây, rau củ quả và hạt (hạt điều, hướng dương, óc chó, hạnh nhân,…).

o Hoạt động thể lực thường xuyên: cố gắng tập khoảng 30 phút mỗi ngày, 5 -7 ngày trong tuần hoặc ít nhất 150 phút một tuần như đi bộ, chạy bộ chậm, bơi lội, đạp xe,…. Nếu tập một lần không nổi, có thể chia ra tập 2-3 lần trong ngày.

o Giảm cân nếu dư cân hoặc béo phì: chỉ cần giảm 5 - 7% cân nặng cũng giúp giảm có ý nghĩa đường huyết và nguy cơ tim mạch. Tập luyện đều đặn và kiên trì để giảm cân từ từ và ổn định.

o Người được chẩn đoán tiền tiểu đường cần thay đổi lối sống, xét nghiệm đường máu và HbA1c mỗi 3 đến 6 tháng một lần và uống Metformin nếu có chỉ định của bác sĩ để ngăn ngừa bệnh tiến triển thành tiểu đường.

o Xét nghiệm tầm soát bệnh tiểu đường ở người trên 40 tuổi, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, béo phì, suy tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, hay tiền sử trong gia đình có người bệnh tiểu đường.

Tài liệu tham khảo:

1. https://www.cdc.gov/diabetes/basics/getting-tested.html

2. https://diabetes.org/diabetes/a1c/diagnosis

3. https://www.cdc.gov/diabetes/library/features/healthy-feet.html