Những điều cần biết trước mổ thay van tim nhân tạo

Phẫu thuật van tim là cuộc mổ lớn, người bệnh cần được tư vấn kỹ lưỡng trước khi bước vào phẫu thuật này. Tôi thường hay nói với người bệnh là mổ van tim không giống như mổ cắt ruột thừa hay thay khớp gối, mổ xong là xong, hết đau, không cần uống thuốc nữa. Sau thay van tim chúng ta còn phải tiếp tục một hành trình điều trị lâu dài.

SỨC KHỎE

Thank Kiều

6/4/2023

Phẫu thuật van tim là cuộc mổ lớn, người bệnh cần được tư vấn kỹ lưỡng trước khi bước vào phẫu thuật này. Tôi thường hay nói với người bệnh là mổ van tim không giống như mổ cắt ruột thừa hay thay khớp gối, mổ xong là xong, hết đau, không cần uống thuốc nữa. Sau thay van tim chúng ta còn phải tiếp tục một hành trình điều trị lâu dài. Khi van tim bị hư hỏng nặng, không còn dùng được, ảnh hưởng đến cuộc sống và tính mạng của người bệnh, buộc lòng ta phải thay một van nhân tạo khác. Có một số điều quan trọng mà người bệnh cần biết trước khi mổ van tim là:

- Mổ van tim gồm có sửa van và thay van. Nếu van hư hỏng nặng, không thể sửa chữa được thì bác sĩ bắt buộc phải thay van nhân tạo. Sửa van được tốt hơn thay van vì không phải uống thuốc kháng đông lâu dài. Mà nếu như cần uống kháng đông thì dùng được thuốc kháng đông uống mới, không cần đo INR mỗi lần tái khám như khi uống thuốc kháng vitamin K.

- Van nhân tạo có hai loại, van cơ học và van sinh học. Van cơ học làm bằng kim loại, khi van đóng mở kêu tích tắc, thời gian sử dụng van lâu hơn van sinh học, trung bình 15 – 20 năm và người bệnh phải uống thuốc kháng đông loại kháng vitamin K suốt đời để giữ van không bị kẹt. Van sinh học là van làm từ màng ngoài tim heo hoặc bò, gần giống van tự nhiên của người, thời gian sử dụng ngắn hơn van cơ học, trung bình 10 – 15 năm, nhất là khi thay cho người trẻ thì van bị thoái hóa nhanh hơn, lợi điểm của van này là chỉ cần uống thuốc kháng đông trong 3 tháng đầu tiên sau mổ.

- Để cho van cơ học hoạt động một cách êm xuôi thì ta phải uống thuốc kháng đông suốt đời. Hiện nay chỉ có kháng đông loại kháng vitamin K là được phép sử dụng cho van cơ học.

- Thuốc kháng vitamin K (warfarin hay acenocoumarol) tốt cho van cơ học nhưng cũng có một số nhược điểm là (1) không có liều cố định chung cho các bệnh nhân, mỗi người bệnh có liều dùng khác nhau cho nên bác sĩ phải dò liều cho từng người, (2) có nhiều tương tác với các thuốc khác và thức ăn, (3) mỗi lần tái khám đều phải xét nghiệm độ đông máu (INR) để chỉnh liều thuốc, (4) biến chứng gây chảy máu của thuốc là 1% một năm, hay gặp là chảy máu não, chảy máu đường tiêu hóa hay đường tiết niệu. Việc chỉnh liều thuốc đôi khi khó khăn trên một số cơ địa người bệnh, chỉ cần một thay đổi liều thuốc rất nhỏ cũng gây sự thay đổi không đoán trước được của đông máu. Do đó, nếu có thể được người bệnh nên thử điều trị với loại thuốc này trước để xem mình thuộc nhóm dễ hay khó điều chỉnh thuốc.

- Sau mổ van tim, người bệnh phải đi khám bệnh thường xuyên và uống thuốc nghiêm ngặt hơn, không được quên hay bỏ thuốc để tránh biến chứng kẹt van phải mổ lại.

- Một số biến chứng sau khi thay van cơ học có thể gặp là kẹt van, sút van, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng (nhiễm trùng tại vị trí đặt van nhân tạo), thiếu máu tán huyết do van cơ học (hồng cầu bị vỡ do dòng máu đập vào lá van).

- Đường mổ tim hở là đường giữa ngực trước xương ức. Đường mổ này dài khoảng 20 cm. Người bệnh thường cần nằm viện 7 – 10 ngày sau mổ, người lớn tuổi có thể lâu hơn, đến 14 ngày nếu không có nhiễm trùng hay biến chứng. Thời gian cần thiết nghỉ dưỡng hồi phục sức khỏe tại nhà thường từ 6 đến 8 tuần mới có thể đi làm việc trở lại.

- Ngày nay có một số bệnh viện áp dụng mổ tim với kỹ thuật ít xâm lấn, đường mổ ngắn dưới 5 cm và vài lỗ nhỏ trên thành ngực để đưa hệ thống camera hỗ trợ và thao tác bằng robot. Ưu điểm là ít đau, thời gian nằm viện ngắn và hồi phục nhanh hơn.

- Biến chứng sớm thường gặp ngay sau mổ tim là suy tim, tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim, rối loạn nhịp tim (rung nhĩ), viêm phổi, chảy máu. Không phải tất cả người bệnh đều gặp các biến chứng này, và mức độ nặng nhẹ cũng khác nhau. Phần lớn bác sĩ đều xử lý được tốt các biến chứng này cho người bệnh.

Trên đây là những điều cơ bản người bệnh nên biết trước khi mổ thay van tim để chủ động tuân thủ điều trị, phòng tránh biến chứng và đặc biệt là không thấy sụp đổ khi có những điều không như ý xảy đến.

Tôi xin kể ra hai trong số những trường hợp gặp khó khăn sau mổ mà tôi đã từng biết:

Một bệnh nhân nam 40 tuổi, ở tỉnh xa được mổ thay van 2 lá cơ học cách nay 5 năm vì bệnh van hậu thấp. Sau mổ bệnh nhân cố gắng tái khám đều trong 2 năm đầu, đến năm thứ 3 thì thưa dần và sau đó thì tự mua thuốc uống mà không tái khám được do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Bệnh nhân nhập viện vì khó thở phải ngồi liên tục kéo dài một tuần. Bác sĩ siêu âm tim kiểm tra thì phát hiện kẹt van hai lá cơ học, có chỉ định mổ thay lại van tim khác.

Một trường hợp khác, bệnh nhân nam 72 tuổi, đã thay van 2 lá cơ học, sửa van 3 lá trên 10 năm. Cách nay 4 tháng, người bệnh bị trượt chân té từ trên ghế xuống đất, đầu đập xuống sàn nhà. Một tuần sau ông yếu hai chân không đi được, nhức đầu, mất ngủ nên đến bệnh viện khám, chụp CT não ra xuất huyết dưới màng cứng và dập não. Ông được các bác sĩ mổ dẫn lưu máu tụ và xuất viện với 2 chân hồi phục đi lại được gần bình thường. Lần này, sáng ngày trước nhập viện ông thấy bị méo miệng, tay trái cầm chén bị rớt nên vô cấp cứu, chụp MRI não thấy xuất huyết não dưới màng cứng tái phát. Ông nhập viện chờ mổ lại. Cái khó của ông là việc điều chỉnh thuốc kháng đông không ổn định, điều trị máu loãng quá thì dễ bị chảy máu, nhưng nếu không đủ loãng thì dễ bị kẹt van. Bây giờ ông phải ngưng thuốc kháng đông để mổ não nhưng bác sĩ cũng rất lo lắng nếu ngưng lâu thì có nguy cơ kẹt van. Cả bác sĩ và bệnh nhân đều đang đi thăng bằng trên dây.

Những ví dụ trên đây nói ra không phải để người bệnh nản lòng mà nên biết để có thái độ điều trị tích cực và dũng cảm hơn để chiến đấu với căn bệnh của mình.

Xin vui lòng bấm vào khung hình để nghe bằng giọng đọc.