Nhồi máu cơ tim cấp: nguyên nhân và chẩn đoán

Nhồi máu cơ tim là bệnh cấp cứu tim mạch. Người bệnh cần được chẩn đoán sớm và chính xác để được điều trị tái lưu thông động mạch vành kịp thời trong 6 giờ vàng, cứu cơ tim còn sống, tránh biến chứng suy tim, rối loạn nhịp và đột tử.

SỨC KHỎE

Thank Kiều

6/13/2023

Nhồi máu cơ tim là bệnh cấp cứu tim mạch. Người bệnh cần được chẩn đoán sớm và chính xác để được điều trị tái lưu thông động mạch vành kịp thời trong 6 giờ vàng, cứu cơ tim còn sống, tránh biến chứng suy tim, rối loạn nhịp và đột tử.

Nhồi máu cơ tim cấp là gì?

Nhồi máu cơ tim cấp là tình trạng động mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn hoặc hẹp rất nặng, làm thiếu trầm trọng lưu lượng máu đến nuôi cơ tim, làm cơ tim bị tổn thương và hoại tử. Cơ tim bị thiếu máu nuôi nặng dẫn đến hoại tử (tế bào cơ tim chết đi) làm suy chức năng tim, nặng hơn là sốc tim (tụt huyết áp do tim không đủ khả năng bơm máu đến các cơ quan), rối loạn nhịp tim (nhịp nhanh thất, rung thất) có thể gây đột tử.

Dựa vào điện tâm đồ, người ta chia nhồi máu cơ tim thành 2 dạng: nhồi máu cơ tim có sóng ST chênh lên và nhồi máu cơ tim không có sóng ST chênh lên.

- Nhồi máu cơ tim ST chênh lên là do tắc nghẽn hoàn toàn động mạch vành, thường do huyết khối cấp. Trường hợp này người bệnh cần được cấp cứu tái lưu thông động mạch vành khẩn cấp bằng phương pháp thông tim hoặc truyền thuốc tiêu sợi huyết (nếu bệnh viện không có làm thông tim được) trong vòng 6 giờ đầu khởi phát bệnh.

- Đối với nhồi máu cơ tim không ST chênh, người bệnh thường có hẹp nặng nhiều nhánh mạch vành và có nhiều bệnh nội khoa đi kèm. Bệnh nhân cũng cần được thông tim sớm trong vòng 2 đến 24 giờ sau nhập viện tùy theo đặc điểm từng người.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim phần lớn là tắc nghẽn cơ học trong lòng động mạch vành do mảng xơ vữa hay cục huyết khối. Ngoài ra còn có một số nguyên nhân ít gặp khác như nhồi máu cơ tim cấp do co thắt mạch vành, bóc tách tự phát trong lòng động mạch vành, bất thường xuất phát hay đường đi của động mạch vành, do thuyên tắc mỡ, thuyên tắc khí,….

Yếu tố nguy cơ

Các yếu tố nguy cơ của nhồi máu cơ tim gồm:

- Tuổi: nam từ 45 tuổi, nữ từ 55 tuổi dễ bị nhồi máu cơ tim hơn độ tuổi trẻ hơn.

- Hút thuốc lá: tiếp xúc chủ động hay thụ động lâu ngày với khói thuốc làm tăng khả năng bị bệnh động mạch do xơ vữa.

- Huyết áp cao có thể gây tổn thương động mạch dẫn đến nhồi máu cơ tim, đặc biệt nếu người bệnh có kèm béo phì, rối loạn mỡ máu và tiểu đường.

- Rối loạn lipid máu: tăng LDL-C (là loại mỡ xấu), tăng triglyceride làm tăng nguy cơ bị xơ vữa động mạch và nhồi máu cơ tim.

-. Béo phì: người béo phì hay có kèm tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng cholesterol xấu (LDL-C) và tăng triglyceride, trong khi cholesterol tốt (HDL-C) thì thấp.

- Tiểu đường: đường trong máu cao làm tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim.

- Hội chứng chuyển hóa: được xác định khi có ít nhất 3 trong các điều sau: (1) vòng bụng lớn, (2) tăng huyết áp, (3) cholesterol tốt thì thấp, cholesterol xấu và triglyceride cao, (4) đường máu cao.

- Tiền sử trong gia đình có cha, mẹ, anh, chị, em ruột hoặc ông bà nội, ngoại bị nhồi máu cơ tim sớm (nam giới trước 55 tuổi, nữ giới trước 65 tuổi).

- Lối sống tĩnh tại, ít hoạt động thể lực.

- Chế độ ăn không tốt cho sức khỏe tim mạch: ăn nhiều đường, nhiều muối, thịt mỡ, đồ ăn đóng hộp, thức ăn nhanh làm tăng nguy cơ bị bệnh xơ vữa động mạch.

- Căng thẳng, sang chấn tình cảm, lo âu, hoặc giận dữ làm tăng nhồi máu cơ tim.

- Sử dụng chất kích thích, gây nghiện như cocaine, amphetamine có thể gây nhồi máu cơ tim do co thắt mạch vành.

- Yếu tố khác như tiền sử bị cao huyết áp thai kỳ, bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ,…sẽ tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.

Nhồi máu cơ tim cấp được chẩn đoán như thế nào?

Hầu hết bệnh nhân nhồi máu cơ tim đến bệnh viện trong bệnh cảnh đau ngực cấp. Đặc điểm điển hình của cơn đau là đau vùng trước tim bên trái hay sau xương ức; đau âm ỉ, đè nặng, căng tức cả một vùng; lan lên cổ, dưới hàm, cằm, hai vai, cánh tay trái, có khi lan xuống bụng nhưng không quá rốn hoặc lan ra sau lưng; cơn đau xảy ra lúc nghỉ, thường kéo dài trên 15 phút; kèm vã mồ hôi, khó thở, muốn ngất xỉu, bứt rứt hoặc cảm giác gần chết đến nơi. Cơn đau không giảm nhiều sau khi ngậm thuốc dãn mạch vành hoặc kéo dài và thường xuyên hơn làm người bệnh lo sợ và phải đến bệnh viện ngay.

Tuy nhiên, một số trường hợp người bệnh không có cơn đau thắt ngực điển hình mà có các triệu chứng khác như khó thở, hồi hộp, ngất xỉu, buồn nôn, đau thượng vị hoặc thay đổi tri giác như kích động, lừ đừ hôn mê hoặc ngưng tim đột ngột. Bệnh cảnh này thường gặp ở người lớn tuổi, nữ giới, mắc nhiều bệnh nội khoa. Đã có nhiều bệnh nhân nhập viện khoa Tiêu hóa vì đau bụng, nôn ói nhưng khi đo điện tim thì phát hiện ra nhồi máu cơ tim cấp.

Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ đo mạch, huyết áp, độ bão hòa oxy, nhiệt độ và khám lâm sàng. Các xét nghiệm cận lâm sàng được làm ngay để chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp là:

- Đo điện tâm đồ: cần được thực hiện trong vòng 10 phút sau khi đến phòng cấp cứu. Dựa vào điện tim bác sĩ xác định đây có phải là nhồi máu cơ tim ST chênh lên hay không. Nếu có, khởi động cấp cứu tái tưới máu cơ tim trong thời gian sớm nhất. Nếu không phải là nhồi máu cơ tim ST chênh lên thì sẽ làm thêm các xét nghiệm tiếp theo sau.

- Xét nghiệm máu đo nồng độ men tim troponin (T hoặc I). Khi cơ tim bị tổn thương, hoại tử sẽ phóng thích ra men này. Troponin tăng cao và có tính động học trong nhồi máu cơ tim cấp. Người bệnh sẽ được làm xét nghiệm này ít nhất 2 lần, cách nhau mỗi 3 giờ để đánh giá tính động học. Men tim càng cao, tổn thương cơ tim càng nhiều. Tuy nhiên, ngoài nhồi máu cơ tim, troponin còn tăng trong một số bệnh nặng khác như suy tim, thuyên tắc phổi, nhiễm trùng nặng, suy thận nặng,…

- Chụp X-quang ngực thẳng để loại trừ nguyên nhân khác gây đau ngực như viêm phổi, thuyên tắc phổi, tràn khí màng phổi, tràn dịch màng phổi.

- Siêu âm tim để đánh giá chức năng tim, tìm vùng cơ tim vận động bất thường (giảm vận động hay vô động) do nhồi máu, tìm hở van tim, tràn dịch màng tim và đo áp lực động mạch phổi.

Tiêu chuẩn lâm sàng chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp gồm có tăng men tim động học kèm với: (1) cơn đau thắt ngực điển hình, hoặc (2) thay đổi điện tâm đồ theo tiêu chuẩn nhồi máu cơ tim, hoặc (3) bằng chứng thiếu máu cơ tim trên siêu âm tim.

Tóm lại, người bệnh khi có triệu chứng gợi ý nhồi máu cơ tim thì nên đến bệnh viện sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời trong vòng 6 giờ vàng, giúp phòng tránh được những biến chứng nguy hiểm và tử vong.

Tài liệu tham khảo:

1. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/heart-attack/symptoms-causes/syc-20373106