Nhịp tim chậm

Nhịp tim bình thường ở người lớn trong khoảng 60 – 100 lần/phút. Nếu nhịp tim dưới 60 lần/phút được coi là nhịp chậm. Nếu nhịp tim quá chậm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh do tim không bơm đủ máu nuôi cơ thể, gây triệu chứng mệt mỏi, yếu sức, xây xẩm, choáng váng hay ngất xỉu.

SỨC KHỎE

Thank Kiều

8/5/2023

Nhịp tim bình thường ở người lớn trong khoảng 60 – 100 lần/phút. Nếu nhịp tim dưới 60 lần/phút được coi là nhịp chậm. Nếu nhịp tim quá chậm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh do tim không bơm đủ máu nuôi cơ thể, gây triệu chứng mệt mỏi, yếu sức, xây xẩm, choáng váng hay ngất xỉu. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp nhịp tim chậm nhưng người bệnh không có triệu chứng. Nhịp tim chậm 40 – 60 lần/phút lúc nghỉ ngơi hoặc khi ngủ có thể gặp ở người trẻ, khỏe mạnh hoặc vận động viên.

Triệu chứng của nhịp chậm

- Mệt, yếu sức hoặc cảm thấy kiệt sức khi vận động, làm việc hay đi lại

- Xây xẩm, choáng váng, nhẹ đầu

- Ngất hoặc gần ngất

- Đau thắt ngực

- Khó thở

- Lú lẫn, hay quên ở người cao cao tuổi

Nguyên nhân của nhịp tim chậm

- Suy nút xoang: Nút xoang là nút phát nhịp chính của tim, nằm ở tâm nhĩ phải. Bình thường nút xoang phát ra nhịp với tần số 60 – 100 lần/phút. Khi nút xoang bị bệnh, suy giảm hoặc rối loạn chức năng phát nhịp làm tần số tim chậm quá mức (nhịp xoang chậm) hoặc nhịp tim lúc nhanh, lúc chậm quá mức (hội chứng nhịp nhanh, nhịp chậm). Nguyên nhân nút xoang bệnh có thể là do tuổi cao, do thiếu máu cơ tim hay nhồi máu cơ tim gây tổn thương hoặc thiếu máu nuôi nút xoang.

- Rối loạn dẫn truyền nhĩ thất (block nhĩ nhất): Bình thường xung động điện phát ra từ nút xoang ở nhĩ phải, theo các đường dẫn truyền chuyên biệt đi xuống thất, đến nút nhĩ thất nằm ở phần dưới vách liên nhĩ, gần vòng van ba lá. Xung động tiếp tục qua nút nhĩ thất và chia ra nhánh phải, nhánh trái đi vào cơ tâm thất phải và thất trái, gây hoạt động co bóp cơ tim. Nếu đường dẫn truyền từ nút xoang đến nút nhĩ thất bị tắc nghẽn sẽ gây bệnh block nhĩ thất với các mức độ từ nhẹ đến nặng khác nhau. Block nhĩ thất hoàn toàn (hay block nhĩ thất độ III) là nặng nhất, nhịp tim thường ở mức 30 – 50 lần/phút. Lúc này người bệnh cần phải được đặt máy tạo nhịp trong buồng tim để nâng tần số tim lên cao hơn, trên mức nguy hiểm. Nguyên nhân của bệnh rối loạn dẫn truyền này gồm (1) thiếu máu cơ tim hay nhồi máu cơ tim; (2) xơ hóa đường dẫn truyền do lớn tuổi; (3) sau mổ tim; (4) viêm cơ tim (5) bệnh tim bẩm sinh; (6) hay do thuốc.

- Do các thuốc làm chậm nhịp tim, thuốc ngủ, thuốc an thần,…

- Bệnh nội khoa như suy giáp, Lupus ban đỏ,…

- Rối loạn điện giải (tăng kali máu nặng).

- Cường thần kinh phó giao cảm ở người trẻ.

Các yếu tố nguy cơ

- Người cao tuổi

- Tăng huyết áp

- Hút thuốc lá

- Nghiện rượu

- Ngưng thở khi ngủ

- Sử dụng thuốc gây nghiện

- Căng thẳng, lo lắng

Biến chứng

- Ngất

- Suy tim

- Đột tử

Chẩn đoán rối loạn nhịp chậm

Người bệnh cần khám chuyên khoa Tim mạch để tìm hiểu nguyên nhân gây nhịp chậm và điều trị.

Bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử về tiền sử dùng thuốc, bệnh lý đi kèm, các yếu tố nguy cơ gây rối loạn nhịp chậm cũng như các triệu chứng mà nhịp chậm gây ra.

Khám lâm sàng để phát hiện các bất thường ở tim hoặc bệnh nội khoa khác đi kèm như suy giáp, Lupus ban đỏ,..

Các cận lâm sàng cần làm để xác định có rối loạn nhịp chậm, loại nhịp chậm và nguyên nhân.

- Điện tâm đồ: xác định có rối loạn nhịp chậm, loại rối loạn nhịp như nhịp chậm xoang, nhịp bộ nối, block nhĩ thất,…

- Holter ECG: gắn máy theo dõi nhịp tim liên tục trong 24 – 48 giờ để phát hiện rối loạn nhịp chậm từng cơn, thoáng qua, đánh giá mối liên quan giữa nhịp chậm và triệu chứng mà người bệnh gặp phải.

- Siêu âm tim: để đánh giá các bệnh tim cấu trúc, bệnh tim bẩm sinh có khả năng gây rối loạn nhịp chậm.

- Nghiệm pháp gắng sức bằng thảm lăn hoặc xe đạp: để tìm nguyên nhân thiếu máu cục bộ cơ tim, đánh giá đáp ứng nhịp tim của người bệnh khi gắng sức.

- Chụp MSCT động mạch vành cản quang, hoặc chụp mạch vành: để tìm nguyên nhân hẹp hoặc tắc mạch vành.

- Chụp cộng hưởng từ tim khi nghĩ đến viêm cơ tim hoặc bệnh lý cơ tim.

- Đa ký giấc ngủ nếu nghĩ đến hội chứng ngưng thở khi ngủ.

- Nghiệm pháp bàn nghiêng nếu bệnh nhân có ngất hoặc gần ngất.

- Xét nghiệm máu: TSH (chức năng tuyến giáp), men tim, và một số xét nghiệm khác về các bệnh nội khoa có liên quan.

Điều trị

- Ngưng các thuốc hoặc chất gây nhịp tim chậm như thuốc chẹn bêta, thuốc chống loạn nhịp

- Điều trị các bệnh lý nền là nguyên nhân gây nhịp chậm như điều trị suy giáp, tái lưu thông mạch vành nếu có thiếu máu cục bộ cơ tim, điều chỉnh rối loạn điện giải,…

- Đặt máy tạo nhịp tạm thời: sau nhồi máu cơ tim cấp, sau mổ tim, viêm cơ tim cấp.

- Đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn nếu nhịp chậm trầm trọng, không hồi phục.

Phòng ngừa

- Tập thể dục đều đặn

- Chế độ ăn lành mạnh

- Duy trì cân nặng lý tưởng

- Không hút thuốc lá, giảm rượu bia

- Điều trị ổn định bệnh huyết áp cao, đái tháo đường và rối loạn mỡ máu.

- Giảm căng thẳng, lo âu, nghỉ ngơi hợp lý

- Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm

-