Môn văn học
Lúc học phổ thông, Ngữ văn là một trong các môn học khó nuốt nhất với tôi. Hai năm đầu trung học cơ sở, tôi phải vật lộn với môn này. Cô dạy văn của lớp tôi là người bắc mới vào nam, giọng cô rất khó nghe, lúc nào cũng đều đều, rất buồn ngủ. Tôi cố gắng lắm mới nhớ ra được tên cô là cô Oanh.
NGÀY XƯANHẬT KÝ
Thank Kiều
6/6/2023
Lúc học phổ thông, Ngữ văn là một trong các môn học khó nuốt nhất với tôi. Hai năm đầu trung học cơ sở, tôi phải vật lộn với môn này. Cô dạy văn của lớp tôi là người bắc mới vào nam, giọng cô rất khó nghe, lúc nào cũng đều đều, rất buồn ngủ. Tôi cố gắng lắm mới nhớ ra được tên cô là cô Oanh. Mới vào lớp 6, chúng tôi đã phải làm quen với các thể loại văn chương lạ lẫm như trường ca, văn tế, hịch,… và nhất là những bài văn học nước ngoài. Tôi không thấy hứng thú gì khi cô phân tích những tác phẩm đó, nó rất xa vời và khó hiểu. Hết lớp 6, tôi tưởng mình đã thoát nạn, không ngờ sang năm lớp 7, vẫn là cô Oanh dạy môn Ngữ văn của lớp tôi. Tôi thường xuyên ngủ gật trong giờ học. Giờ học văn lúc nào cũng trôi qua một cách chậm chạp và mệt mỏi! Thú thật tôi cũng không nhớ nổi mình đã làm gì để sống sót với môn học này trong hai năm đó.
Sang lớp 8, tôi có cô dạy văn mới, cô Kim Hoàng, cũng là cô giáo chủ nhiệm lớp 8A5 của chúng tôi. Cô nhỏ nhắn người, có đôi mắt sắc sảo, linh hoạt và giọng nói miền nam trong trẻo, bay bổng. Khi dạy cô tương tác với chúng tôi nhiều nên khó lòng mà ngồi ngủ gật được. Chương trình Văn lớp 8 cũng hay hơn các lớp trước, có nhiều bài thơ hay và truyện ngắn mà tôi thích. Tôi còn nhớ mình đã ghi tên học thêm môn văn vì nhận thấy mình học yếu nhất là môn này. Cô đã rèn chúng tôi viết câu sao cho gẫy gọn, trong sáng và lập dàn ý cho một bài tập làm văn. Nhờ cô mà tôi đã biết cách viết một đoạn văn, cách trình bày một bài văn đầy đủ, có dẫn chứng. Nói chung, từ lúc học được kỹ thuật làm bài, điểm môn văn của tôi có cải thiện chút ít. Tôi cũng thấy yên tâm hơn vì mình viết không hay, nhưng biết cách viết đúng và đủ thì không thể nào điểm dưới trung bình được.
Năm cuối cấp hai, môn văn là môn chính thi tốt nghiệp nên may mắn nhà trường đã xếp cho chúng tôi học với cô giáo xịn nhất trường lúc đó, cô Tường Vi. Tôi rất ngưỡng mộ cách truyền đạt của cô. Môn này là môn mà học sinh dễ chán nhất, nhưng cô đã làm cho tôi thích giờ học của cô. Tôi ngồi ở đầu bàn, lúc nào cũng say sưa nhìn theo cô khi cô giảng bài, cô đi lên tôi nhìn lên, cô đi xuống tôi nhìn xuống. Tôi có điểm lạ là trong giờ học tôi phải nhìn được mắt, miệng của thầy cô thì tôi mới tập trung được. Tôi còn nhớ răng cô rất đều, nhất là hàm dưới. Tôi đã từng nghĩ mai mốt lớn lên tôi sẽ đi làm răng lại cho đều giống như cô vậy. Cô thường hay dẫn dụ các câu thơ trong truyện Kiều mà học sinh ở tuổi cập kê như tôi lúc đó rất thích. Tôi thuộc được nhiều câu thơ Kiều cũng là nhờ cô.
“Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau.”
hay
“ Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.”
Thuở đó tôi thấy những câu này thật cao siêu và triết lý! Cô còn dạy chúng tôi về lễ nghĩa, cô thường nói “ Văn là người đấy con ạ! Các con còn nhỏ phải luyện tập cách ăn nói, hành văn sao cho đúng chuẩn mực”. Cũng có một dạo tôi thích làm thơ, nhất là khi tập tành viết lưu bút cuối năm. Nhưng làm thơ đâu có dễ, không làm được nên tôi chuyển sang sưu tầm thơ tình yêu. Các tác giả mà tôi yêu thích là Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Xuân Quỳnh,… Chắc tôi cũng bắt đầu biết yêu nên mơ mộng vậy mà!
“Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu,
Lả lả cành hoang nắng trở chiều.
Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn,
Lần đầu rung động nỗi thương yêu”
(Trích Thơ Duyên - Xuân Diệu).
Năm lớp chín trôi qua nhanh chóng, chúng tôi thi tốt nghiệp rồi chuyển trường. Sau đó tôi ít có dịp gặp lại cô. Nhiều năm sau, khi lên đại học bạn bè có lần tụ họp đến thăm cô ở Thủ Đức. Sau khi về hưu cô lên đây sống với con trai. Giờ đây khi nhớ đến cô thì cô đã không còn nữa.
Tôi chỉ nhớ mình học môn Văn đến năm lớp chín, còn sau đó học được gì nữa thì tôi không biết. Có lẽ do tôi chỉ tập trung cho các môn thi đại học khi lên cấp ba. À, mà tôi cũng không quên thầy giáo dạy văn năm lớp 10 dù thầy dạy tôi có một học kỳ. Ấn tượng là thầy thích đọc và ngâm thơ khi bước vào lớp. Có lúc bọn tôi lười nên giả vờ nói thích nghe thầy ngâm thơ để ngồi chơi khỏi học. Tôi còn nhớ những bài thầy hay ngâm nga “ Tống biệt hành” (Thâm Tâm), “Tiếng thu” (Lưu Trọng Lư) hay “Giục giã” (Xuân Diệu),… còn thầy dạy gì thì tôi không nhớ!
Tóm lại, Văn học cũng giống như bao môn học khác mà tôi phải học khi ở ghế nhà trường. Lúc học tôi không nghĩ mình thích nó, nhưng giờ nhìn lại thì hình như cũng có chút gì để nhớ. Cho nên mới nói xu thế hiện nay một số trường Y đã đưa môn Văn làm môn xét tuyển thi vào y khoa là có lý do. Không làm thi sĩ được thì mình làm bác sĩ!