Lòng biết ơn mỗi ngày

Lại một ngày nữa trôi qua.

NHẬT KÝ

Thank Kiều

6/14/2023

Một ngày sau khi giới thiệu trang web, tôi đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người thân và bạn bè. Cám ơn tình cảm của mọi người dành cho tôi. Tôi không ngờ nhật ký của tôi lại được quan tâm nhiều hơn cả bài viết về chuyên môn. Cám ơn chồng tôi, người đã ra ý tưởng, động viên và hỗ trợ tôi trong cả quá trình làm trang web này. Cám ơn Mẹ luôn là độc giả đầu tiên cho các bài viết của tôi. Tôi viết xong rồi nhờ Mẹ đọc, xem tôi viết vậy đã dễ hiểu chưa ở phương diện của người không phải là bác sĩ. Mẹ còn góp ý kiến, đề nghị thêm chủ đề này nọ để tôi làm. Tôi viết bài nào Mẹ cũng khen, làm tôi có thêm động lực. Có hôm buồn ngủ tính ngủ rồi mà mẹ nói một hồi tôi ngồi dậy làm tiếp, phải thường xuyên viết để Mẹ có bài đọc. Tôi cũng không quên gởi lời cám ơn đến bạn bè, người thân đã góp ý và khích lệ tôi. Tôi sẽ tiếp tục duy trì việc làm yêu thích này càng lâu càng tốt.

Sáng thứ tư trong tuần là ngày khá bận rộn vì hôm đó tôi ngồi phòng khám, gặp nhiều bệnh nhân. Người tôi gặp đầu tiên là bà cụ 85 tuổi, vừa mới đặt stent động mạch vành xuất viện tuần trước. Hôm nay nhịp tim, huyết áp, oxy của bà ổn hết, xét nghiệm máu kết quả tốt, bà cũng giảm đau ngực so với trước nhưng nhìn mặt bà vẫn còn lo lắng và mệt mỏi lắm. Sau khi ra toa thuốc cho bà, tôi dặn dò bà mỗi ngày nên phơi nắng buổi sáng sớm 15 – 20 phút, đi lại khi có thể, tập động tác ngồi dậy hít sâu và thở ra từ từ, làm chừng 10 lần liên tiếp, cứ 2 - 3 tiếng đồng hồ thì làm một đợt cho nở phổi. Ngoài ra, bà phải cười mỗi ngày 30 lần nữa! Tôi không biết mình lấy đâu ra con số 30, nhưng thật sự bà nên cười nhiều cho người bớt căng thẳng, lo âu. Tôi còn thuyết phục được bà cụ chích ngừa cúm và viêm phổi sáng nay. Cuối cùng bà cũng nở một nụ cười với tôi khi ra về và hẹn tháng sau gặp lại.

Một cụ bà khác 86 tuổi, đã khám với tôi nhiều năm từ khi ở bệnh viện TĐ, khi tôi qua Tâm Anh bà cụ cũng theo. Năm nay bà yếu nhiều hơn những năm trước. Khoảng vài tháng nay người nhà nói bà hay quên, ngày ngủ nhiều, đêm thì không ngủ được, ăn cũng yếu hơn. Tôi nghĩ bà đã bị chứng sa sút trí tuệ do tuổi già. Lần này bà cụ nhìn tôi một cách hờ hững, không nhiệt tình như lúc trước. Tôi hỏi “Bà ơi, bữa nay bà quên bác sĩ rồi sao?”. Bà gượng trả lời “Sao quên được! Cứ mong tới tháng để đi gặp bác sĩ nè!”. Tôi biết bà bắt đầu lơ đãng, mà không như thế sao được, năm nay bà cụ cũng thuộc hàng U90 rồi còn gì. “Sinh, lão, bệnh, tử”, thời gian không chừa một ai!

Tuần này, mấy đứa cháu tôi dưới quê lên nhà tôi ở để đi học hè. Trong đó có một đứa bị dư cân. Tôi định hôm nào sẽ viết về bệnh béo phì ở trẻ em để cảnh báo chung với phụ huynh. Vừa ngay sáng nay tôi khám cho một cháu sinh năm 2004, bằng tuổi con tôi, bị béo phì. Thằng bé cân nặng trên 90kg, bị cao huyết áp và gan nhiễm mỡ nặng. Huyết áp ở nhà thường mức 160 – 180 mmHg nên mẹ cháu mới lo lắng đưa cháu đến khám tìm nguyên nhân. Mẹ nói cháu rất thích uống nước ngọt, nước tăng lực và ăn snack, ít khi ăn rau và trái cây. Các xét nghiệm tìm nguyên nhân tăng huyết áp thứ phát đều được làm, kể cả MRI bụng, nhưng kết quả đều bình thường, trừ gan nhiễm mỡ. Cháu được điều trị thuốc hạ huyết áp và tư vấn khám dinh dưỡng để giảm cân. Béo phì ở trẻ em thường do thói quen ăn uống không phù hợp. Hậu quả là trẻ dễ bị mắc bệnh huyết áp cao, tiểu đường và gan nhiễm mỡ. Trẻ em còn nhỏ mà đã mắc các bệnh mãn tính này, phải uống thuốc lâu dài thì chắc chắn có ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tuổi thọ.

Buổi sáng tôi khám đến 12:30 mới xong hết người bệnh. Trở về khoa, tôi nhờ hai em hot boy đi khiêng giùm tôi hai thùng trái cây bệnh nhân tặng, một thùng bơ của chị bệnh nhân ở Đắc Lắc và một thùng măng cụt của một cô ở Cần Thơ, về chia mọi người. Món nào cũng đặc sắc hết. Bạn làm cùng phòng với tôi than thở “Tội nghiệp các cháu đang giảm cân mà ngày nào cũng có đồ ăn như vậy hết, làm sao các cháu giảm được đây?”. Thiệt là quá nan giải!

Buổi chiều, tôi cho một bệnh nhân, là “khách hàng thân thiết” của bệnh viện đã nằm hơn một tuần ra viện. Tôi nói với ông và gia đình “Hôm nay bệnh của bác đã tạm ổn, cho bác về nhà uống thuốc và tái khám 5 ngày sau”. Ông cũng không tỏ ra vui vẻ khi được về, ông còn nói “Về rồi ít hôm cũng lại vào, không đi đâu xa khỏi bệnh viện này được!”. Công nhận bác sĩ chữa bệnh hay thiệt! Bệnh nhân lưu luyến không muốn về hay không dám về nhà luôn. Nhưng dù sao cũng cảm ơn bác bệnh nhân đã tin tưởng bệnh viện và yên tâm chọn nơi đây là nơi chăm sóc sức khỏe cho mình với nhiều bệnh tật lúc tuổi già.

Lại một ngày nữa trôi qua.