Kinh nghiệm dạy con
Mẹ tôi trước đây rất nghiêm khắc với các con, nói một là một, hai là hai, mẹ đã quyết thì không được cãi lời hay nài nỉ van xin gì thêm. Mẹ dạy chúng tôi phải trung thực, làm sai thì nhận lỗi và chấp nhận bị phạt, không được đổ lỗi; dạy chúng tôi giữ lời hứa và giữ chữ tín. Với mẹ, giờ giấc và kỷ luật rất quan trọng. Mẹ lúc nào cũng đúng giờ và không thích ai trễ giờ.
GIA ĐÌNHNHẬT KÝ
Thank Kiều
7/16/2023
Mẹ tôi trước đây rất nghiêm khắc với các con, nói một là một, hai là hai, mẹ đã quyết thì không được cãi lời hay nài nỉ van xin gì thêm. Mẹ dạy chúng tôi phải trung thực, làm sai thì nhận lỗi và chấp nhận bị phạt, không được đổ lỗi; dạy chúng tôi giữ lời hứa và giữ chữ tín. Với mẹ, giờ giấc và kỷ luật rất quan trọng. Mẹ lúc nào cũng đúng giờ và không thích ai trễ giờ. Mẹ đi đâu, mấy giờ về là đúng y mấy giờ, không có cà kê kéo dài thêm mà cũng không ai kêu ở lại thêm được. Chị em tôi cũng đã quen với những quy tắc như vậy nên từ nhỏ đã vào nề nếp. Ngày xưa, nếu chúng tôi phạm lỗi thì sẽ bị phạt nằm cúi trên giường và đánh đòn, đứa nào cũng sợ răm rắp, không dám tái phạm. Tôi thấy rất hiệu quả. Tuy nhiên, biện pháp giáo dục này ngày nay không còn hợp thời và không còn được áp dụng rộng rãi nữa.
Tôi ít nhiều cũng học được từ mẹ cách dạy con, phải nghiêm khắc để đưa con vào nề nếp, không được quá nuông chiều để làm hư hỏng đứa nhỏ, chuyện học hành luôn ưu tiên hàng đầu. Tôi đã áp dụng nhiều năm qua nhưng có gì đó sai sai, kết quả khác với mong đợi của mình. Ban đầu tôi cũng áp dụng cách mà mẹ đã dạy chị em tôi, chỉ khác là không dùng đến roi vọt. Tôi cũng tham khảo thêm một số cách dạy con của các chuyên gia về giáo dục, cũng có khen thưởng, xử phạt, động viên, khích lệ, làm gương các kiểu. Các con tôi cũng nghe đó, hỏi thì cũng nói hiểu đó nhưng thực hành thì khác xa. Có lẽ thiếu hình phạt thích đáng nên chúng không sợ. Thằng con trai nhỏ nói gì nó cũng “dạ”, kêu làm gì cũng “dạ”, không cãi lại lần nào nhưng sau đó có làm hay không thì hên xui. Kêu con đi học bài, dọn phòng thì “dạ” mà cứ vẫn ngồi yên một chỗ. Nói kiểu gì cũng không làm ngay, hứa 7h đi tắm mà hơn một tiếng đồng hồ sau vẫn chưa. Không lẽ cứ phạt con quỳ gối, không cho xem TV, không dẫn đi chơi cuối tuần hay không cho tiền tiêu vặt? Thật ra không ăn thua gì! Tính con trai ít nói, bạn bè nhận xét về con là “ trầm tính, điềm đạm, kiệm lời, nhút nhát” đủ thứ, nhưng tóm lại là con rất ngại giao tiếp. Có mỗi hai câu “Xin lỗi!” và “Cám ơn!” mà dạy mãi con vẫn chưa làm tốt. Hỏi con “tại sao?” thì con trả lời “quên!”.
Còn con chị thì khỏi nói luôn, tôi thấy mình bất lực trước con cái. Đi chơi dặn 10h phải có mặt ở nhà, nhưng không lần nào con về đúng giờ. Có lần con đi đến hơn 10h, vừa về đến nhà tôi hỏi con biết bây giờ là mấy giờ không, tại sao không về đúng giờ. Nó trả lời đủ thứ lý do nào là trời mưa, kẹt xe, gọi không được xe các thể loại. Có một lần tôi giận quá mắng nó, nó liền trách tôi sao không hỏi lý do tại sao con về trễ, không lo an nguy của nó mà chỉ biết giận dữ khi nó về trễ?!!! Trời ạ, bây giờ chuyển sang lỗi là của tôi. Có thời gian hai mẹ con thường xuyên cãi nhau, tôi nói một câu, nó nói lại hai câu. Tôi chịu thua luôn cho yên ổn. Nói ra thì có vẻ tôi quá nhu nhược với con, nhưng tôi thật sự không đưa chúng vào nề nếp được như mẹ tôi đã làm với chị em chúng tôi. Tôi công nhận mình không có uy để dạy con cái. Bực lắm, có hôm kể lể với anh, anh chỉ bảo cho một vài chiêu nhưng tôi buồn quá, khóc luôn! Cho tới tận bây giờ, sau mười mấy năm dạy con, tôi đã rút ra bài học “Mẹ tôi dạy con thành công vì may mắn có được những đứa con ngoan như chị em tôi. Hay không bằng hên!”. Bây giờ mẹ có áp dụng cách như trước đây với các cháu thì kết quả cũng không còn hiệu nghiệm như mẹ đã thấy.
Cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Các con bây giờ chỉ muốn tự học những bài học từ chính mình chứ ít chịu nghe kinh nghiệm từ cha mẹ. Tự học khắc sẽ nhớ lâu nhưng đôi khi phải trả học phí!