Khám tầm soát bệnh ung thư

Thực tế việc tầm soát ung thư được rất nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, chúng ta cần tầm soát bệnh sao cho đúng và đầy đủ, tránh lãng phí và phải có trọng tâm.

SỨC KHỎE

Thank Kiều.

5/14/2023

Tháng trước tôi tình cờ nghe được cuộc nói chuyện giữa ba tôi và các chú bác bạn bè rằng ở bệnh viện X của một thành phố nọ có máy móc hiện đại có thể tầm soát phát hiện tất cả các loại bệnh ung thư. Giá của một gói tầm soát đó khoảng ba bốn mươi triệu đồng. Các chú các bác đều rất phấn khởi sắp xếp lịch hẹn để đi khám. Tương tự trong tuần này, tôi có một chị bệnh nhân lớn tuổi đến tái khám bệnh tăng huyết áp nhưng chị cũng có rất nhiều ưu tư về vấn đề tầm soát bệnh ung thư. Vốn dĩ trong gia đình, người chị gái của chị vừa phát hiện bệnh ung thư gan nên tất cả mọi người còn lại đều tranh thủ đi khám. Chị đã khám tổng quát nhiều nơi, khám phụ khoa, khám vú, chụp nhũ ảnh, làm CT toàn thân, nội soi đường tiêu hóa, và cả xét nghiệm các chất chỉ điểm ung thư nhưng dường như chị vẫn chưa yên tâm.

Thực tế việc tầm soát ung thư được rất nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, chúng ta cần tầm soát bệnh sao cho đúng và đầy đủ, tránh lãng phí và phải có trọng tâm.

Theo hướng dẫn của hội Ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society), người lớn nên khám tầm soát bệnh ung thư sớm trước khi có triệu chứng. Việc tầm soát định kỳ giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn tiền ung thư, ung thư ở giai đoạn còn khu trú, chưa lan xa nên có thể điều trị triệt để.

Chúng ta có thể tầm soát được những bệnh ung thư nào và khi nào thì nên bắt đầu tầm soát? Điều này phụ thuộc vào: (1) độ tuổi, (2) giới tính, (3) các yếu tố nguy cơ của bản thân và gia đình (ví dụ như thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, bị viêm gan siêu vi B hoặc C, gia đình có nhiều người mắc bệnh ung thư,…). Do đó, khi tư vấn các gói khám tầm soát chúng ta cần dựa vào 3 đặc điểm trên.

Phụ nữ từ 45 tuổi trở lên bắt đầu tầm soát bệnh ung thư vú, ung thư cổ tử cung (sớm hơn từ tuổi 25), ung thư đại trực tràng, ung thư tuyến giáp, ung thư phổi (từ 50 tuổi trở lên), ung thư gan (nếu có tiền sử viêm gan siêu vi mãn tính hoặc xơ gan).

Nam giới từ 45 tuổi trở lên cần tầm soát ung thư đường tiêu hóa, ung thư phổi, ung thư gan (nếu có viêm gan siêu vi mạn tính, uống rượu bia nhiều, xơ gan, gan nhiễm mỡ) và ung thư tiền liệt tuyến (từ 50 tuổi trở lên).

Đối với những người có nguy cơ rất cao mắc ung thư như tiền sử gia đình có người mắc bệnh ung thư, bản thân có mang gen đặc biệt liên quan đến ung thư, mắc một số hội chứng di truyền tăng nguy cơ mắc ung thư hoặc có điều trị bằng tia xạ lúc nhỏ hoặc trẻ tuổi (10 đến 30 tuổi) thì nên khám tầm soát ung thư sớm hơn, trung bình trước 5 năm so với người bình thường.

Một số bệnh ung thư chúng ta cần khám tầm soát do tỉ lệ mắc bệnh phổ biến và có thể điều trị khỏi nếu phát hiện sớm:

- Ung thư vú

- Ung thư đường tiêu hóa

- Ung thư cổ tử cung

- Ung thư nội mạc tử cung

- Ung thư phổi

- Ung thư gan

- Ung thư tuyến giáp

- Ung thư tiền liệt tuyến

Có một số thông tin không chính xác mà người bệnh thường hiểu lầm:

- Có một loại máy móc hay xét nghiệm nào đó có thể giúp phát hiện sớm tất cả các loại bệnh ung thư trên người chúng ta.

- Xét nghiệm các chất chỉ điểm sinh học ung thư (biomarker) có thể phát hiện sớm bệnh ung thư. Thật ra chất chỉ điểm sinh học chỉ giúp người đã có bệnh ung thư theo dõi diễn tiến của bệnh.

Bảng tóm tắt hướng dẫn khám tầm soát bệnh ung thư:

Việc khám tầm soát bệnh ung thư là cần thiết nhưng việc thay đổi lối sống tốt để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư còn quan trọng hơn rất nhiều:

- Không hút thuốc lá.

- Đạt được và duy trì cân nặng lý tưởng.

- Tập thể dục hay hoạt động thể lực đều đặn.

- Ăn nhiều trái cây, rau, củ, quả tươi có lợi cho sức khỏe.

- Không uống rượu bia quá nhiều, tốt nhất là không uống. Đối với nam mỗi ngày không được uống quá 2 lon bia (loại lon 350 ml, 3.5o), hoặc 120 ml rượu vang (12o – 15o), hoặc 30 – 45 ml rượu mạnh (40o – 50o); nữ giới chỉ được uống bằng một nửa số lượng của nam giới.

- Bảo vệ da dưới ánh nắng mặt trời.

- Giảm căng thẳng, stress, điều trị các bệnh viêm nhiễm mãn tính.

- Biết rõ tiền sử bản thân, tiền sử gia đình và các yếu tố nguy cơ của bản thân.

- Kiểm tra sức khỏe và làm các xét nghiệm tầm soát ung thư định kỳ.

Tài liệu tham khảo:

1. https://www.cancer.org/content/dam/CRC/PDF/Public/912.00.pdf

2. https://www.cancer.net/cancer-types/liver-cancer/risk-factors-and-prevention

3. https://www.cancer.gov/types/thyroid/patient/thyroid-screening-pdq