Huyết khối tĩnh mạch thuyên tắc

Huyết khối tĩnh mạch thuyên tắc là tình trạng hay bị bỏ sót do người bệnh có nhiều bệnh nền nghiêm trọng hơn, bệnh có thể để lại di chứng hoặc tử vong đột ngột. Theo ước tính năm 2021 ở Hoa Kỳ có 1.220.000 trường hợp bị huyết khối tĩnh mạch thuyên tắc. Cứ 5 bệnh nhân được chẩn đoán bệnh này thì sẽ có 1 người chết trong vòng 1 năm sau đó do nguyên nhân huyết khối và bệnh lý nền gây nên huyết khối.

SỨC KHỎE

Thank Kiều

6/6/2023

Huyết khối tĩnh mạch thuyên tắc

Huyết khối tĩnh mạch thuyên tắc là tình trạng hay bị bỏ sót do người bệnh có nhiều bệnh nền nghiêm trọng hơn, bệnh có thể để lại di chứng hoặc tử vong đột ngột. Theo ước tính năm 2021 ở Hoa Kỳ có 1.220.000 trường hợp bị huyết khối tĩnh mạch thuyên tắc. Cứ 5 bệnh nhân được chẩn đoán bệnh này thì sẽ có 1 người chết trong vòng 1 năm sau đó do nguyên nhân huyết khối và bệnh lý nền gây nên huyết khối.

Tôi xin kể ra một số trường hợp bệnh mà tôi đã gặp ở nơi mình làm việc. Một bệnh nhân nam, 64 tuổi, sau mổ nhiễm trùng khớp gối bên phải hai ngày thì toàn bộ cẳng chân và đùi phải đột ngột căng cứng, nóng đỏ và đau. Người bệnh được làm siêu âm thì phát hiện có huyết khối ở tĩnh mạch khoeo và đùi chân phải gây tắc nghẽn toàn bộ tĩnh mạch. Thuốc chống đông tiêm dưới da được sử dụng ngày hai lần trong một tuần, sau đó chuyển sang thuốc uống ít nhất 3 đến 6 tháng.

Một bà cụ 80 tuổi, sau khi té ngã bị gãy cổ xương đùi bên trái, nằm bất động một tuần trong bệnh viện. Sau đó bà bị sốt, ho khạc đàm vàng, khó thở và oxy trong máu giảm. Bác sĩ chụp phim X-quang và xét nghiệm máu kết luận bà bị viêm phổi, điều trị với thuốc kháng sinh. Tình trạng của bà sau ba ngày vẫn không cải thiện, mệt và khó thở nhiều hơn, đau ngực khi hít thở và oxy máu giảm phải thở oxy liên tục. Bệnh nhân được chụp CT phổi và siêu âm tĩnh mạch 2 chân, kết quả huyết khối tĩnh mạch sâu cẳng chân và đùi trái kèm huyết khối trong động mạch phổi gây nhồi máu phổi và viêm phổi.

Những trường hợp bị huyết khối ở trên không phải là hiếm gặp, nhất là ở người lớn tuổi, có bệnh nặng phải nằm tại giường, ít vận động thì rất dễ bị cục máu đông trong tĩnh mạch. Nếu được phát hiện sớm, điều trị với thuốc kháng đông thì bệnh có thể thuyên giảm hoặc ổn định. Tuy nhiên, có một số trường hợp bệnh nhân nằm viện bị đột tử mà không rõ nguyên nhân, khi mổ tử thi phát hiện tắc mạch phổi cấp tính do huyết khối.

Huyết khối tĩnh mạch và huyết khối thuyên tắc là gì?

Huyết khối tĩnh mạch là tình trạng có cục máu đông được hình thành tại chỗ trong lòng tĩnh mạch, cục máu này làm cản trở dòng chảy bình thường của tĩnh mạch hoặc gây tắc nghẽn hoàn toàn lưu thông của tĩnh mạch.

Huyết khối thuyên tắc là tình trạng cục máu đông có trong lòng mạch, bị bong ra trôi theo dòng máu đi đến các nơi khác rồi gây tắc mạch ở các cơ quan khác. Huyết khối trong tĩnh mạch thường gây thuyên tắc phổi cấp tính và tăng áp động mạch phổi. Ngược lại, huyết khối trong động mạch thì có thể gây đột quỵ não hoặc nhồi máu cơ tim.

Huyết khối tĩnh mạch chi dưới là huyết khối được tạo ra trong các tĩnh mạch ở cẳng chân, khoeo, đùi hay vùng chậu. Các cục huyết khối này có thể trôi theo dòng máu trong tĩnh mạch chủ dưới, đi về tim, rồi lên phổi, gây thuyên tắc và nhồi máu phổi. Nếu cục huyết khối nhỏ, làm tắc một vài nhánh của động mạch tiểu thùy phổi sẽ gây tổn thương phổi mức độ nhẹ, bệnh có triệu chứng thoáng qua hoặc không triệu chứng. Người bệnh nếu được điều trị đúng sẽ được hồi phục. Tuy nhiên, nếu cục máu đông lớn, làm bít hoàn toàn cả động mạch phổi sẽ làm người bệnh suy hô hấp nặng hoặc đột tử. Trường hợp huyết khối làm tắc các nhánh động mạch phổi từng đợt và kéo dài sẽ đưa đến bệnh thuyên tắc huyết khối mạn tính, hậu quả làm tăng áp động mạch phổi nặng và dẫn đến suy tim phải. Ngoài ra, hơn 50% người bị huyết khối tĩnh mạch sâu về sau bị hội chứng hậu huyết khối. Đó là cẳng chân bị sưng, đau, tê bì, rối loạn sắc tố ở da, nặng hơn là bị sẹo hoặc loét khó lành và đôi khi bị tàn phế. Nguyên nhân là do các van trong tĩnh mạch bị tổn thương dần dần và gây suy van tĩnh mạch chi dưới mạn tính.

Khoảng 30% người bị huyết khối tĩnh mạch chi dưới hoặc thuyên tắc phổi bị một đợt tái phát khác trong vòng một năm sau đó. Do đó, việc điều trị bệnh này cần được kéo dài ít nhất 3 – 6 tháng hoặc đến khi hết các yếu tố thuận lợi gây huyết khối.

Các yếu tố thuận lợi gây nên huyết khối tĩnh mạch

- Người lớn tuổi có bệnh nội khoa nặng nằm một chỗ lâu ngày như sau tai biến mạch máu não, gãy cổ xương đùi, thoái hóa khớp gối, bệnh tim, bệnh phổi nặng, sau phẫu thuật vùng ngực, vùng bụng,…

- Bị chấn thương, gãy xương phải bó bột, nẹp cố định hoặc nằm bất động

- Sau mổ chỉnh hình xương, thay khớp gối, thay khớp háng

- Ngồi một chỗ kéo dài, đặc biệt có bắt chéo chân trong nhiều giờ đồng hồ như đi máy bay hay đi tàu xe

- Phụ nữ uống thuốc ngừa thai, hoặc điều trị hormone thay thế

- Trong thai kỳ và kéo dài đến tháng thứ ba sau sinh

- Bệnh ung thư tiến triển hoặc có di căn

- Bệnh viêm loét đại tràng

Các yếu tố nguy cơ quan trọng khác:

- Tiền sử bản thân trước đây đã bị huyết khối tĩnh mạch chi dưới hoặc thuyên tắc phổi.

- Có người thân trong gia đình từng bị huyết khối tĩnh mạch chi dưới hoặc thuyên tắc phổi.

- Người cao tuổi

- Béo phì

- Đặt kim luồn trong tĩnh mạch lớn gần tim

- Có bệnh rối loạn đông máu di truyền

Chẩn đoán và điều trị bệnh huyết khối tĩnh mạch thuyên tắc

Các triệu chứng gợi ý có cục máu đông trong tĩnh mạch chi dưới là sưng, căng đau, nóng đỏ, tê bì đột ngột một bên cẳng chân.

Các triệu chứng gợi ý thuyên tắc động mạch phổi là đau tức ngực, khó thở, hồi hộp tim đập nhanh, độ bão hòa oxy đo đầu ngón tay giảm, ho ra máu, ngất hoặc gần ngất.

Để chẩn đoán bệnh, phần lớn cần xét nghiệm D-dimer, siêu âm tĩnh mạch chi dưới, chụp CT động mạch phổi có cản quang.

Điều trị huyết khối tĩnh mạch thuyên tắc chủ yếu là dùng thuốc kháng đông tiêm hoặc uống. Một số trường hợp đặc biệt có thể cần đến thuốc tiêu sợi huyết (thuốc làm tan cục máu đông), hút hoặc lấy huyết khối trong động mạch phổi hoặc tĩnh mạch chi dưới. Thời gian điều trị thuốc kháng đông thường kéo dài 3-6 tháng hoặc có thể lâu hơn.

Các biện phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch thuyên tắc

- Vận động sớm tại giường sau mổ, sau chấn thương hoặc bệnh nội khoa khi có thể.

- Nếu nhận thấy mình có nguy cơ cao bị huyết khối bác sĩ sẽ cho bạn mang vớ tĩnh mạch (vớ có áp lực) hoặc uống thuốc chống đông phòng ngừa huyết khối trước.

- Khi ngồi lâu trên máy bay hay tàu xe trên 4 giờ thì lưu ý đứng dậy vận động tại chỗ mỗi 1 – 2 giờ, làm các động tác co duỗi bắp chân, cổ chân và bàn chân thường xuyên trong lúc ngồi, uống đủ nước, mặc đồ rộng rãi thoải mái.

- Tăng cường tập thể dục, tránh lối sống tĩnh tại và giữ cân nặng lý tưởng.

Phòng ngừa bệnh huyết khối tĩnh mạch rất cần thiết cho mọi người, đặc biệt người cao tuổi, có nhiều bệnh nền nặng, ít đi lại, trong khi nằm viện và sau phẫu thuật. Chủ động phòng bệnh giúp giảm thời gian nằm viện, giảm biến chứng và nguy cơ đột tử cho người bệnh.

Tài liệu tham khảo:

1. https://www.cdc.gov/ncbddd/dvt/facts.html

2. https://www.nature.com/articles/s41569-022-00787-6

Xin vui lòng bấm vào khung hình để nghe bằng giọng đọc.