Hở van hai lá

Tôi thường gặp một số bệnh nhân đến khám vì đi siêu âm tim ra kết luận có hở van 2 lá 1/4. Khi thấy mình bị hở van tim ai cũng lo lắng, không biết nguyên nhân tại sao, có nguy hiểm không và phải điều trị thế nào? Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra nên tôi sẽ giải thích một cách ngắn gọn về căn bệnh này để mọi người không phải quá lo lắng về nó.

SỨC KHỎE

Thank Kiều

6/3/2023

Hở van 2 lá là gì?

Van 2 lá là tên của van tim nằm giữa nhĩ trái và thất trái. Van này có 2 lá, giống như cửa có 2 cánh vậy nên gọi là van 2 lá (khác với van 3 lá nằm ở tim phải do van này có đến 3 lá van). Van hai lá có chức năng đóng mở nhịp nhàng theo nhịp tim, giúp máu đi một chiều từ nhĩ trái xuống thất trái.

Hở van 2 lá là tình trạng có dòng máu trào ngược trở lại nhĩ trái khi tim co bóp do các lá van đóng không kín.

Phân độ nặng của hở van 2 lá

Hở van 2 lá có các mức độ từ nhẹ, trung bình đến nặng. Trên siêu âm tim, hở van được chia làm 4 mức độ: 1/4 (hở nhẹ), 2/4 (trung bình), 3/4 (hở nặng) và 4/4 (hở rất nặng).

- Hở van 2 lá nhẹ (1/4) thường thấy ở người bình thường khi làm siêu âm tim. Cứ 10 người khỏe mạnh làm siêu âm thì có đến 6 - 7 người phát hiện hở van 2 lá nhẹ, các lá van mềm mại, bộ máy dưới van bình thường, gọi là hở van sinh lý. Hở van mức độ nhẹ như vậy thường không đủ gây triệu chứng mệt, đau ngực hay khó thở. Trong trường hợp này, không cần dùng thuốc gì để điều trị hở van, siêu âm tim định kỳ mỗi năm một lần để theo dõi là đủ.

- Hở van 2 lá trung bình trở lên cần tìm nguyên nhân do không phải là hở van sinh lý nữa mà có thể là bệnh lý. Hở van mức độ 2/4 cũng hiếm khi gây triệu chứng suy tim, trừ khi có bệnh van tim khác đi kèm.

- Hở van mức độ 3/4 và 4/4 chắc chắn là bệnh lý, cần được tìm nguyên nhân và điều trị tích cực.

Nguyên nhân thường gặp của hở van 2 lá là gì?

- Bệnh van hậu thấp: xảy ra nhiều năm sau khi bị thấp tim, trung bình 10 đến 15 năm. Sau khi bị đợt thấp cấp, van tim bị viêm, dày lên, về sau vôi hóa, co rút để lại di chứng hẹp hoặc hở van nặng dần lên.

- Thoái hóa van: lá van tự nó bị dày lên hoặc dây chằng giữ van bị dãn ra làm cho van đóng không kín hoặc lật ngược vào trong buồng nhĩ gây sa van. Một số trường hợp thoái hóa van làm đứt dây chằng gây hở van cấp tính.

- Bệnh mạch vành: do mạch vành nuôi cơ tim bị hẹp nặng hoặc tắc, làm thiếu máu cơ tim, dẫn đến co bóp thất trái không đồng bộ và yếu nên 2 lá van đóng không kín. Bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim cấp thường có hở van 2 lá, nếu điều trị nong mạch vành thông tốt trở lại thì một thời gian sau hở van 2 lá sẽ giảm bớt.

- Bệnh cơ tim dãn nở, bệnh cơ tim phì đại, bệnh cơ tim hạn chế: hậu quả của các bệnh này làm dãn vòng van 2 lá, co bóp thất trái bất thường hoặc có kèm rối loạn nhịp tim đưa đến hở van. Bệnh cơ tim càng đến giai đoạn nặng thì hở van 2 lá cũng nặng theo.

- Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng: vi trùng di chuyển trong dòng máu, đến bám dính vào chỗ van tim bất thường tạo ổ nhiễm trùng hay ổ áp xe trên van, làm rách hoặc thủng lá van gây hở 2 lá nặng. Những trường hợp này phải điều trị kháng sinh chích tĩnh mạch 4 – 6 tuần và cần mổ tim sau đó.

- Một số nguyên nhân khác như hở 2 lá bẩm sinh, rung nhĩ, chấn thương ngực,…

Chẩn đoán hở van 2 lá bằng cách nào?

Hở van 2 lá nhẹ đến trung bình thường không có triệu chứng, nghe tim cũng khó phát hiện được bất thường. Chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào siêu âm tim.

Người bệnh hở van 2 lá nặng có thể có triệu chứng mệt, đau ngực, khở thở, hồi hộp khi làm việc gắng sức. Trong hở van 2 lá cấp tính, triệu chứng thường rầm rộ hơn, xảy ra đột ngột như đau ngực, khó thở khi nằm đầu thấp hoặc ho ra đàm bọt hồng. Khám tim thường thấy có ổ đập hay nẩy bất thường ở thành ngực trái, nghe tim loạn nhịp hoàn toàn, có tiếng thổi bất thường dưới vú trái hoặc cạnh bờ trái xương ức.

Siêu âm tim là phương tiện chẩn đoán chính xác có hở van 2 lá không, mức độ nặng nhẹ và gợi ý nguyên nhân của hở van. Ngoài ra còn xem được ảnh hưởng của hở van lên chức năng tim, có làm dãn buồng tim hay tăng áp động mạch phổi không.

Một số cận lâm sàng khác tìm nguyên nhân hở van như trắc nghiệm gắng sức, chụp MSCT hoặc chụp mạch vành, MRI tim,…

Các phương pháp điều trị hở van 2 lá?

Điều trị hở van 2 lá tùy thuộc vào nguyên nhân và độ nặng của bệnh.

- Nếu hở van 2 lá do thấp tim thì cần phải uống thuốc kháng sinh phòng thấp lâu dài, khi van bị hư nặng thì mổ sửa hoặc thay van nhân tạo.

- Hở van 2 lá do thiếu máu cục bộ cơ tim (sau nhồi máu cơ tim hoặc hẹp mạch vành nặng) thì cần nong đặt stent mạch vành hoặc mổ bắc cầu mạch vành kết hợp với sửa van.

- Hở van tim nặng do thoái hóa van, đứt dây chằng thì phần lớn cần phẫu thuật sửa hoặc thay van tim nhân tạo.

- Hở 2 lá do viêm nội tâm mạc nhiễm trùng thì cần điều trị kháng sinh đủ thời gian và mổ thay van tim.

- Hở van 2 lá mức độ nhẹ đến trung bình: siêu âm tim định kỳ mỗi năm một lần.

- Hở van 2 lá nặng (3/4 – 4/4): điều trị thuốc và can thiệp (phẫu thuật hoặc can thiệp qua da kẹp mép van 2 lá). Hở van 2 lá nặng có triệu chứng suy tim như mệt, đau ngực, hồi hộp, khó thở khi làm việc nhẹ hoặc khó thở khi nằm đầu thấp, khó thở ban đêm là có chỉ định phẫu thuật sửa hoặc thay van.

Cách phòng tránh hở van 2 lá diễn tiến nặng?

Nếu người bệnh có tiền sử bệnh thấp, có di chứng hở van tim thì cần được phòng thấp bằng thuốc kháng sinh lâu dài. Kháng sinh thường dùng là Penicillin V uống mỗi ngày hoặc Penicillin G tiêm bắp, thời gian phòng có khi đến năm 40 tuổi hoặc suốt đời nếu có hẹp hở van tim nặng.

Điều chỉnh lối sống lành mạnh, tốt cho sức khỏe để phòng tránh bệnh tim mạch do xơ vữa như nhồi máu cơ tim, hẹp mạch vành nặng.

Người có hở van tim mức độ từ 2/4 trở lên nên giữ vệ sinh răng miệng, khám răng định kỳ mỗi 6 tháng, không để sâu răng hoặc viêm nha chu nhằm phòng ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm trùng. Người ta thấy 75% nhiễm trùng trong tim có liên quan đến vi trùng ở vùng răng miệng.

Với những kiến thức trên, người bệnh sau khi thăm khám sẽ biết được mức độ bệnh, nguyên nhân và phương thức điều trị phù hợp cho mình. Mọi người nên tích cực phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh.