Hẹp van hai lá

Van hai lá là van nối giữa nhĩ trái và thất trái, van gồm có lá trước và lá sau. Van hai lá có nhiệm vụ mở ra trong thời kỳ tâm trương (tim hút máu) để máu đi từ nhĩ trái xuống thất trái và đóng lại trong kỳ tâm thu (tim co bóp tống máu ra động mạch chủ), tránh để dòng máu trào ngược trở lại nhĩ trái, đảm bảo cho máu lưu thông một chiều từ nhĩ xuống thất và lên động mạch chủ.

SỨC KHỎE

Thank Kiều

6/22/2023

Hẹp van 2 lá là gì?

Van hai lá là van nối giữa nhĩ trái và thất trái, van gồm có lá trước và lá sau. Van hai lá có nhiệm vụ mở ra trong thời kỳ tâm trương (tim hút máu) để máu đi từ nhĩ trái xuống thất trái và đóng lại trong kỳ tâm thu (tim co bóp tống máu ra động mạch chủ), tránh để dòng máu trào ngược trở lại nhĩ trái, đảm bảo cho máu lưu thông một chiều từ nhĩ xuống thất và lên động mạch chủ.

Diện tích bình thường của lỗ van hai lá khoảng 4 – 6 cm2. Hẹp van hai lá xảy ra khi diện tích lỗ van giảm ≤ 2 cm2. Khi van hai lá hẹp, dòng máu qua chỗ hẹp sẽ bị tăng vận tốc và áp lực.

Nguyên nhân của hẹp van hai lá là gì?

- Hẹp van 2 lá hậu thấp là nguyên nhân thường gặp nhất của hẹp van 2 lá ở người lớn, thường xảy ra 10 – 15 năm sau đợt thấp tim đầu tiên. Van tim bị viêm dày lên, co rút, vôi hóa, dính mép dẫn đến hẹp lỗ van. Bệnh này thường kèm với hở van hai lá hoặc hẹp, hở van động mạch chủ.

- Hẹp van 2 lá bẩm sinh thường gặp ở trẻ em, như van hai lá hình dù (các dây chằng lá van đều bám dính vào một cột cơ), màng ngăn trên vòng van hai lá,…

- Hẹp van hai lá do vôi hóa vòng van thường gặp ở người lớn tuổi có bệnh xơ vữa động mạch.

- Nguyên nhân khác như hẹp van hai lá sau xạ trị bệnh ung thư (thường 20 – 30 năm sau), hiếm hơn là do bệnh Lupus ban đỏ hoăc bệnh tự miễn,…

Những ai dễ bị bệnh hẹp van hai lá?

- Người thường bị viêm họng do liên cầu khuẩn streptococcus điều trị không đúng, tiền sử bị sốt thấp sẽ có nguy cơ cao bị hẹp van hai lá hậu thấp.

- Người lớn tuổi

- Tiền sử xạ trị bệnh ung thư vùng ngực nhiều năm trước

- Sử dụng một số thuốc như: 3,4-methylenedioxymethamphetamine (thuốc lắc), Ergotamine (thuốc chữa đau đầu Migrain), fenfluramine hoặc dexfenfluramine (thuốc giảm cân).

Triệu chứng của hẹp van hai lá là gì?

- Tùy thuộc vào độ nặng của hẹp van. Khi hẹp van từ trung bình đến nặng người bệnh có triệu chứng mệt, khó thở khi làm việc nặng. Một số triệu chứng khác như hồi hộp tim đập không đều, xây xẩm, khàn tiếng, đau ngực hay ho ra máu. Khi hẹp van nặng, người bệnh có triệu chứng của suy tim như phù chân, mạch máu ở cổ dãn và nẩy mạnh, đầy bụng, khò khè khó thở, ho khi nằm đầu thấp hay có cơn khó thở kịch phát ban đêm. Cơn khó thở kịch phát về đêm được mô tả là khi bệnh nhân đang ngủ, đột ngột bị đánh thức dậy, thở không nổi, thiếu hơi, thở rít, người bệnh phải ngồi dậy, đi lại tới lui, mở cửa sổ để lấy không khí cho dễ thở.

- Một số trường hợp bệnh được phát hiện sau khi người bệnh bị yếu liệt nửa người do tai biến mạch máu não, một biến chứng của bệnh hẹp van hai lá.

- Triệu chứng của bệnh thường nặng lên khi tim đập nhanh như khi lúc làm việc gắng sức, có thai, nhiễm trùng phổi,… Lúc này người bệnh thường phải nhập viện vì suy tim nặng lên.

- Khám tim có thể thấy tim đập không đều, có ổ nẩy bất thường trên thành ngực trước tim, âm thổi ở mỏm tim.

Các cận lâm sàng cần làm để chẩn đoán hẹp van hai lá?

- Đo điện tâm đồ cho thấy tim bị rung nhĩ (rối loạn nhịp hoàn toàn), lớn nhĩ trái,…

- Chụp X-quang ngực cho thấy hình ảnh lớn tâm nhĩ trái, sung huyết phổi,…

- Siêu âm tim qua thành ngực là phương tiện giúp chẩn đoán xác đinh hẹp van hai lá, độ nặng của hẹp van và ảnh hưởng của hẹp van lên tim như dãn buồng tim, tăng áp lực động mạch phổi, cục máu đông trong nhĩ trái,… Độ nặng của hẹp van dựa vào siêu âm được chia:

o Hẹp nhẹ: diện tích mở van còn > 1.5 cm2

o Hẹp trung bình: diện tích mở van từ 1.0 – 1.5 cm2

o Hẹp nặng: diện tích mở van < 1.0 cm2

- Siêu âm tim qua thực quản thường được làm khi bệnh nhân cần can thiệp nong van hoặc mổ van tim. Khi làm siêu âm tim qua thực quản, bác sĩ sẽ tính điểm Wilkins score, nếu ≤ 8 điểm thì nong van hai lá được, khi > 8 điểm thì mổ sửa hoặc thay van tốt hơn.

- Trắc nghiệm gắng sức, MSCT động mạch vành hoặc chụp mạch vành được sử dụng trong một số trường hợp đặc biệt hoặc có chỉ định mổ van hai lá.

Biến chứng của hẹp van hai lá là gì?

- Rung nhĩ là tim bị loạn nhịp, đập không đều. Hẹp van hai lá càng nặng thì khả năng bị rung nhĩ càng cao.

- Huyết khối trong nhĩ trái thường gặp do dòng máu qua van hai lá bị ứ trệ ở nhĩ, dễ bị đông đặc lại thành cục máu đông trong buồng nhĩ.

- Nhồi máu não là do hậu quả của rung nhĩ và hẹp van, tạo cục máu đông trong nhĩ trái. Cục máu đông này khi bị vỡ ra, trôi theo dòng máu lên não, gây lấp mạch não đưa đến nhồi máu não.

- Tăng áp động mạch phổi do ứ máu ngược dòng từ nhĩ trái, qua tĩnh mạch phổi rồi đến động mạch phổi. Hậu quả của tăng áp lực động mạch phổi là hở van ba lá nặng và suy tim phải khi người bệnh hẹp van hai lá rất nặng.

- Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng là nhiễm trùng trên van hai lá bị tổn thương, có thể làm rách hoặc thủng van và suy tim nặng hơn.

Điều trị bệnh hẹp van hai lá như thế nào?

- Hẹp van hai lá nhẹ đến trung bình nếu không có triệu chứng, không có rung nhĩ thì được điều trị nội khoa và theo dõi định kỳ mỗi 3 – 6 tháng.

- Hẹp van hai lá nặng có triệu chứng cần được điều trị can thiệp là nong van hoặc phẫu thuật.

- Điều trị nội khoa:

o Kháng sinh phòng thấp tim nếu có tiền sử bị thấp

o Phòng ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm trùng bằng cách khám răng định kỳ mỗi 6 tháng, dùng kháng sinh phòng ngừa khi làm răng hoặc phẫu thuật.

o Thuốc tim mạch: thuốc lợi tiểu nếu có sung huyết phổi, thuốc chẹn bêta làm chậm tần số tim nếu có rung nhĩ nhanh, thuốc kháng đông nếu có rung nhĩ hoặc huyết khối nhĩ trái.

- Điều trị can thiệp:

o Nong van hai lá bằng bóng qua da được thực hiện khi hẹp van nặng, có triệu chứng hoặc tăng áp động mạch phổi nặng. Chỉ có thể nong van được khi van chưa bị vôi hóa nhiều, hở ít hoặc không hở van đi kèm và không có huyết khối trong nhĩ trái. Sau nong van 10 đến 15 năm người bệnh có thể bị hẹp van tái phát phải mổ sửa hoặc thay van hai lá.

o Phẫu thuật sửa hoặc thay van hai lá khi không thể nong van qua da. Sửa được van tốt hơn thay van. Nếu van vôi hóa nặng, co rút nhiều không thể sửa được thì bác sĩ sẽ thay van nhân tạo. Sau thay van nhân tạo người bệnh cần uống thuốc kháng đông để tránh bị huyết khối làm kẹt van. Nếu van sinh học, không có rung nhĩ thì cần uống kháng đông 3 tháng, van cơ học thì uống kháng đông suốt đời. Thời gian van nhân tạo có thể sử dụng được trung bình từ 15 đến 20 năm, có trường hợp được lâu hơn với van cơ học.

Hẹp van hai lá và thai kỳ

Khi có thai, tim phải làm việc nhiều hơn 50% (gấp 1.5 lần bình thường), nhịp tim tăng nên triệu chứng của bệnh hẹp hai lá sẽ nặng lên, đỉnh điểm cao nhất là từ tháng thứ 5 đến tháng thứ 7 của thai kỳ. Do đó:

o Nếu biết hẹp hai lá nặng (< 1cm2), nên nong van trước khi mang thai.

o Nếu bệnh nhân hẹp van hai lá nặng mà đã lỡ có thai rồi thì nên khám thai ở bệnh viện có chuyên khoa sản và tim mạch. Người bệnh được khám thai thường xuyên, siêu âm tim ở 3 tháng đầu, tháng thứ 5, 7 của thai kỳ và tháng cuối. Nếu người bệnh có triệu chứng suy tim nặng không dung nạp được thì lựa chọn can thiệp nong van hoặc mổ van tim ở tháng thứ 5 của thai kỳ.

Tóm lại, hẹp van hai lá hậu thấp là nguyên nhân hẹp van phổ biến nhất ở nước ta. Bệnh thường gặp ở người trưởng thành, có tiền sử thấp tim trước đây. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm. Bệnh này có thể phòng ngừa được bằng cách phòng tránh viêm họng do liên cầu khuẩn như sống nơi vệ sinh sạch sẽ, chăm sóc răng miệng vàđiều trị kháng sinh đúng khi bị viêm họng. Nếu đã bị thấp tim thì cần phòng thấp lâu dài theo đúng chỉ định của bác sĩ.