GÃY CỔ XƯƠNG ĐÙI TRÊN BỆNH NHÂN CAO TUỔI CÓ BỆNH TIM MẠCH
Gãy cổ xương đùi là một trong những loại gãy xương phổ biến nhất ở người cao tuổi, đặc biệt là ở những bệnh nhân có loãng xương. Theo thống kê, khoảng 1,6 triệu ca gãy cổ xương đùi xảy ra trên toàn cầu mỗi năm, và con số này dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050 do tình trạng lão hóa dân số.
SỨC KHỎECHUYÊN MÔN
Bs Thanh Kiều
3/7/20257 min read


CA LÂM SÀNG
Bệnh nhân nữ, 92 tuổi, tiền sử nhồi máu cơ tim ST chênh lên đã đặt 2 stent DES ở LAD I-II, hẹp 70% RCA II, 60% LCx II (4/2024). Nhập viện vì đau vùng mông bên phải, không đi lại được sau khi té ngồi.
Diễn tiến lâm sàng
Lúc nhập viện: M: 54 l/ph, huyết áp 95/62 mmHg, T: 36.5°C, SpO2: 95% CC: 135 cm, CN: 30kg. Bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, không đau ngực, không khó thở. Tim đều chậm 54 l/phút, không âm thổi; phổi ran ẩm rải rác vùng đáy; bụng mềm, không phù, mạch mu chân rõ.
Chẩn đoán lúc nhập viện là gãy cổ xương đùi phải, sự kiến mổ thay khớp háng.
Sau nhập viện một ngày, bệnh nhân mệt, tụt huyết áp, bí tiểu, xét nghiệm có troponin T tăng nhẹ không động học, NT-ProBNP tăng cao; siêu âm tim EF giảm 20-25%. Bệnh nhân được chuyển khoa Tim mạch điều trị trước mổ.
Bệnh nhân được điều chỉnh thuốc tim mạch, ngưng clopidogrel và giảm liều thuốc chẹn beta đang dùng, Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân ổn định tim mạch, được mổ thay khớp háng bán phần vào 27/02/2025.
Sau mổ, bệnh nhân nhiễm trùng tiểu do sonde, cấy nước tiểu ra E. coli, điều trị Ciprofloxacin 500mg x 2/ngày trong 5 ngày.
Bệnh nhân rút được sonde tiểu, đi lại được trong phòng với khung tập đi và xuất viện sau mổ 7 ngày.
Cận lâm sàng
· Xét nghiệm bất thường: WBC 7.7 K/uL; HGB 9.6 g/dL (↓); Creatinin 105.6 µmol/L (↑); eGFR 39 ml/ph/1.73m²; CRP 39.0 mg/L (↑); Troponin T-Hs 34.4 → 35 ng/L (↑); D-dimer 0.99 µg/mL; NT-ProBNP 10404 pg/mL; Hồng cầu lưới 2.81 % (↑).
· Tổng phân tích nước tiểu: HC 2+, BC 2+.
· Cấy nước tiểu: E. coli.
· X-quang khung chậu: Gãy cổ xương đùi phải; thoái hóa khớp cùng chậu và khớp háng hai bên.
· Siêu âm tim: EF 30-35%, giảm động thất trái (mỏm, vách liên thất giữa, thành dưới giữa), hở van hai lá trung bình, hở van động mạch chủ nhẹ, hở van ba lá trung bình, tăng áp phổi nhẹ, không tràn dịch màng tim/màng phổi.
· Siêu âm mạch máu chi dưới: Thành dày, xơ vữa nhẹ rải rác; không thấy huyết khối, dãn tĩnh mạch đùi trái đoạn đi trong ống cơ khép, đè còn xẹp, có flow (+).
· Holter ECG: Nhịp xoang, tần số tim 36-76 lần/phút, trung bình 51 lần/phút, ngoại tâm thu nhĩ thưa, ngoại tâm thu thất thưa, nhiều khoảng nhịp chậm xoang xen kẽ nhịp thoát thất.
Chẩn đoán lúc xuất viện: Gãy cổ xương đùi phải đã mổ thay khớp háng phải bán phần – Bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ/ Nhồi máu cơ tim cũ đã đặt 2 DES/LAD I-II (4/2024) - Suy tim EF giảm (EF: 30%) – Rối loạn lipid máu – Bệnh thận mạn giai đoạn 3 – Nhiễm trùng tiểu.
BÀN LUẬN
Bệnh nhân này cao tuổi, nhẹ cân, có bệnh tim mạch trước đang điều trị. Sau nhập viện tình trạng suy tim tăng lên có thể do stress từ chỗ đau gãy xương, ăn uống kém, thiếu máu nên gây suy tim mất bù. Bệnh nhân này cần được mổ sớm nhằm giảm biến chứng nằm lâu gây ra như viêm phổi, nhiễm trùng tiểu, huyết khối tĩnh mạch sâu hay loét tì đè nên khi tim mạch tạm ổn bệnh nhân cần được mổ ngay. Nguy cơ tim mạch chu phẫu của bệnh nhân này cao (RCRI 3 điểm) với tỉ lệ biến chứng chu phẫu là 15%. Người bệnh cần được ngưng clopidogrel 5 ngày trước mổ, duy trì aspirin 81 mg/ngày, ngưng thuốc ức chế SGLT2-i (điều trị suy tim) trước mổ 3 ngày và enoxaparin 12 giờ trước cuộc mổ, dừ trù máu truyền nếu Hb < 9.0 g/dL. Bệnh nhân sau mổ được tập vật lý trị liệu sớm, sau 3 ngày người bệnh có thể vận động nhẹ trên giường, sau 5 ngày bệnh nhân tập đứng và đi vịn vào khung tập.
Sau đây là một số điểm cần biết về bệnh gãy cổ xương đùi:
1. Tỉ lệ gãy cổ xương đùi ở người cao tuổi
Gãy cổ xương đùi là một trong những loại gãy xương phổ biến nhất ở người cao tuổi, đặc biệt là ở những bệnh nhân có loãng xương. Theo thống kê, khoảng 1,6 triệu ca gãy cổ xương đùi xảy ra trên toàn cầu mỗi năm, và con số này dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050 do tình trạng lão hóa dân số.
Phụ nữ có nguy cơ gãy cổ xương đùi cao gấp 2-3 lần so với nam giới, chủ yếu do loãng xương sau mãn kinh.
Tỉ lệ gãy cổ xương đùi tăng dần theo tuổi, đặc biệt là ở nhóm trên 70 tuổi.
Các yếu tố nguy cơ bao gồm: loãng xương, té ngã, suy giảm thị lực, rối loạn thăng bằng, bệnh lý thần kinh và sử dụng thuốc an thần hoặc hạ áp.
2. Biến chứng của gãy cổ xương đùi
Gãy cổ xương đùi ở người cao tuổi không chỉ gây đau đớn và mất khả năng đi lại mà còn dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng.
a. Biến chứng sớm
Sốc do đau và mất máu: Mặc dù mất máu ngoại vi không lớn, nhưng đau đớn và mất máu vi thể có thể dẫn đến sốc, đặc biệt ở bệnh nhân có bệnh đồng mắc.
Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) và thuyên tắc phổi: Giảm vận động sau gãy xương làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối, có thể dẫn đến thuyên tắc phổi gây tử vong.
Nhiễm trùng: Viêm phổi và nhiễm trùng đường tiết niệu thường gặp do nằm lâu, có thể tiến triển thành nhiễm trùng huyết.
b. Biến chứng muộn
Loét do tì đè: Nằm bất động lâu ngày có thể gây loét tì đè, đặc biệt ở vùng xương cùng cụt và gót chân.
Tiêu xương và mất chức năng vận động: Không điều trị sớm có thể dẫn đến tiêu xương và teo cơ, làm mất khả năng đi lại.
Hoại tử chỏm xương đùi: Biến chứng nguy hiểm do giảm tưới máu chỏm xương đùi, có thể dẫn đến thoái hóa khớp và cần thay khớp háng.
Suy giảm sức khỏe toàn diện: Sau gãy cổ xương đùi, khoảng 50% bệnh nhân không thể phục hồi khả năng đi lại như trước và 20-30% tử vong trong vòng một năm sau chấn thương.
3. Kết luận
Gãy cổ xương đùi là một tình trạng nghiêm trọng ở người cao tuổi với tỉ lệ mắc bệnh cao và nhiều biến chứng nguy hiểm. Việc phòng ngừa té ngã, kiểm soát loãng xương và can thiệp điều trị sớm đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện tiên lượng cho bệnh nhân. Đồng thời, cần phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa chấn thương chỉnh hình, tim mạch, nội tiết và phục hồi chức năng để tối ưu hóa kết quả điều trị.