Điều trị và phòng ngừa rung nhĩ
Người bị rung nhĩ có nguy cơ đột quỵ thiếu máu não cao gấp 5 lần, suy tim tăng gấp 3 lần và tử vong tăng gấp 2 lần so với người bình thường.
SỨC KHỎE
Thank Kiều
5/26/2023
Điều trị và phòng ngừa rung nhĩ
Bệnh rung nhĩ có nguy hiểm không?
Người bị rung nhĩ có nguy cơ đột quỵ thiếu máu não cao gấp 5 lần, suy tim tăng gấp 3 lần và tử vong tăng gấp 2 lần so với người bình thường. Trong rung nhĩ, hoạt động điện trong cơ tâm nhĩ trở nên hỗn loạn, không co bóp đồng bộ với thất để bơm máu đi. Máu trong tâm nhĩ bị ứ đọng, khó lưu thông nên dễ tạo ra các cục máu đông nhỏ, thường nhất là trong tiểu nhĩ trái (90%). Cục máu đông này nếu vỡ ra, trôi theo dòng máu xuống tâm thất, rồi được đưa vào động mạch chủ, đi lên não gây tắc mạch dẫn đến nhồi máu não (còn gọi là đột quỵ thiếu máu cục bộ). Người bệnh sẽ có triệu chứng thần kinh tùy vào vị trí và kích thước của não bị tổn thương như yếu hoặc liệt nửa người, nói khó, ăn nuốt bị sặc, méo miệng, sụp mi, chóng mặt,…
Tuổi càng lớn, nguy cơ đột quỵ càng cao. Nguy cơ đột quỵ càng gia tăng nếu có các bệnh đi kèm như huyết áp cao, đái tháo đường, bệnh van tim và suy tim. Để đánh giá nguy cơ đột quỵ, bác sĩ sẽ tính thang điểm CHA2DS2-VASc cho từng người bệnh, nếu điểm số từ 2 trở lên, người bệnh phải uống thuốc kháng đông lâu dài để phòng ngừa đột quỵ.
Các phương pháp điều trị bệnh rung nhĩ?
Mục tiêu điều trị của rung nhĩ là (1) chuyển về nhịp xoang bình thường, (2) kiểm soát tần số tim không để quá nhanh (nếu không chuyển được về nhịp xoang), (3) phòng ngừa cục máu đông trong tim dẫn tới đột quỵ.
Các phương thức điều trị chính:
- Điều trị thuốc: thuốc chống loạn nhịp, thuốc làm giảm tần số tim, thuốc kháng đông
- Chuyển nhịp xoang bằng thuốc hoặc sốc điện
- Phẫu thuật (Maze) hoặc cắt đốt bằng catheter
Việc chọn lựa phương pháp điều trị dựa vào đặc điểm của từng người bệnh: mức độ triệu chứng, thời gian mắc rung nhĩ, nguyên nhân dẫn đến rung nhĩ và mong muốn của người bệnh. Rung nhĩ càng lâu năm hoặc do bệnh van hai lá làm tâm nhĩ dãn lớn thì càng khó chuyển về nhịp xoang. Nếu người bệnh cao tuổi, rung nhĩ đã nhiều năm do hở van tim, sau điều trị thuốc bệnh nhân không có triệu chứng hồi hộp, đánh trống ngực thì ưu tiên điều trị giảm tần số tim và thuốc chống huyết khối phòng ngừa đột quỵ. Nếu bệnh nhân trẻ tuổi, mới bị rung nhĩ gần đây, mỗi khi lên cơn rung nhĩ thì rất mệt, không làm việc được phải nhập viện cắt cơn, bệnh nhân không muốn uống thuốc suốt đời thì xem xét cắt đốt rung nhĩ bằng catheter.
Làm sao phát hiện sớm bệnh rung nhĩ?
- Chúng ta cần cảnh giác đối với những người có nguy cơ cao mắc rung nhĩ: người cao tuổi, tăng huyết áp, suy tim, bệnh van tim, nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim, đái tháo đường,… cần đo điện tim hoặc Holter ECG thường xuyên hoặc khi có triệu chứng gợi ý.
- Đo điện tâm đồ hoặc mắc Holter ECG khi có triệu chứng hồi hộp, tim đập không đều nghi ngờ rung nhĩ.
- Người có tiền sử nhồi máu não cần làm Holter ECG 24 hoặc 48 giờ để tìm rung nhĩ cơn.
- Có thể đeo đồng hồ thông minh (Smart watch) để phát hiện rung nhĩ. Các thiết bị này được lập trình để phát hiện rối loạn nhịp tim và rung nhĩ.
- Ngày nay một số máy đo huyết áp có tính năng phát hiện rung nhĩ. Do đó, khi mua máy đo huyết áp tại nhà, nên chọn loại có chức năng này.
Một số điều cần lưu ý về bệnh rung nhĩ
- Rung nhĩ cơn hay rung nhĩ kéo dài đều nguy hiểm như nhau do biến chứng đột quỵ xảy ra tương đương ở hai nhóm.
- Tần số tim là số lần tim co bóp trong 1 phút khi có hoạt động điện của tim. Mạch là số lần nẩy lên trong 1 phút khi bác sĩ bắt mạch hoặc máy đo huyết áp đếm được ở động mạch cổ tay hoặc chân.
- Mạch đếm được khi đo huyết áp luôn thấp hơn tần số tim thật sự của bệnh nhân do trong rung nhĩ các nhát bóp của tim không đều, lúc mạnh, lúc yếu, có những nhát bóp hụt nên không bắt được mạch. Người bệnh rất dễ hoang mang khi thấy mỗi lần đo huyết áp cho ra số mạch đập khác nhau khá xa. Để biết chính xác tần số tim bác sĩ phải nghe tim bằng ống nghe và đếm nhịp tim trong 30 giây đến 1 phút hoặc đo điện tim.
- Nên đo huyết áp bằng ống nghe nếu huyết áp đo thấp hoặc không đo được với máy đo huyết áp điện tử.
- Khi điều trị rung nhĩ, tần số tim cần đạt trong khoảng 80 - 110 lần/phút.
Phòng ngừa rung nhĩ
Không phải tất cả những nguyên nhân rung nhĩ chúng ta có thể phòng ngừa được. Tuy nhiên, một số điều nên làm để làm giảm nguy cơ mắc rung nhĩ như:
- Không hút thuốc lá, không uống rượu bia hoặc caffein.
- Tập thể dục đều đặn mỗi ngày, duy trì cân nặng lý tưởng.
- Đặt mục tiêu giảm cân nếu dư cân hoặc béo phì. Cách tính chỉ số khối của cơ thể (BMI; Body mass index)= cân nặng (kg)/[chiều cao (mét)]2. Khi BMI ≥ 25 (kg/m2) là dư cân, BMI ≥ 30 (kg/m2) là béo phì, mục tiêu duy trì BMI trong khoảng 18 – 22.
- Ăn chế độ ăn tốt cho sức khỏe tim mạch: ăn ít muối, chất béo, dầu mỡ, chất bột đường; ăn nhiều trái cây tươi, rau, củ, quả, ngủ cốc nguyên hạt, ăn thịt trắng (cá, thịt gà, thịt vịt) tốt hơn thịt đỏ.
- Phòng ngừa và điều trị tốt các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, thấp tim,… để giảm nguy cơ bị nhồi máu cơ tim và suy tim.
Tài liệu tham khảo:
1. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/atrial-fibrillation/symptoms-causes/syc-20350624