Chế độ ăn uống và chăm sóc cho người bệnh suy tim

Người bệnh suy tim cần có chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp, biết tự chăm sóc bản thân sẽ giúp cải thiện triệu chứng bệnh và giữ tình trạng bệnh ổn định được lâu dài.

SỨC KHỎE

Thank Kiều

5/22/2023

Người bệnh suy tim cần có chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp, biết tự chăm sóc bản thân sẽ giúp cải thiện triệu chứng bệnh và giữ tình trạng bệnh ổn định được lâu dài.

Chế độ ăn uống cho người bệnh suy tim

- Giảm lượng muối ăn: Người bệnh suy tim cần hạn chế muối natri ăn vào 1500 mg/ngày (so với lượng trung bình của người bình thường là 3400 mg/ngày). Khi ăn nhiều muối, cơ thể tăng cường giữ nước, làm huyết áp cao và các triệu chứng của suy tim cũng nặng lên. Người ta thấy 70% lượng muối ăn vào đến từ thức ăn đóng hộp hoặc thức ăn nấu sẵn của nhà hàng. Do đó, người bệnh nên mua thực phẩm tươi và nấu ăn tại nhà. Xem ghi chú hàm lượng muối trên thực phẩm trước khi mua, chọn loại ít muối hoặc không muối.

o Thức ăn chứa nhiều muối: thịt đóng hộp, thịt muối, hot dogs, xúc xích, thịt hun khói, xúc xích Ý, bơ, bánh mì, phô mai, nước sốt cà, nước trộn salad, tương ớt, tương cà, nước mắm, nước tương, chao, dưa muối chua, củ cải muối, cá khô, thịt khô, mắm...

o Thức ăn chứa ít muối: trái cây, rau củ, quả, ngủ cốc nguyên hạt, gạo, yến mạch, đậu tươi, sữa, bơ hoặc phô mai loại ít muối (low salt) hoặc không muối (free salt).

- Nên ăn trái cây, rau củ quả tươi, ngủ cốc nguyên hạt, ăn cá, thịt trắng tốt hơn thịt đỏ. Nên chế biến theo cách nướng, hấp, luộc, chưng, nấu canh hơn là kho mặn hoặc chiên xào. Để thức ăn chế biến ít muối mà vẫn có mùi vị thơm ngon nên nêm thêm gia vị và rau mùi.

- Không nên ăn các loại thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn, thức ăn nhiều muối.

- Hạn chế lượng dịch đưa vào cơ thể: Người bệnh suy tim giai đoạn C trở đi, lượng nước đưa vào cơ thể (gồm nước uống, canh, sữa,..) trung bình 1.5 đến 2 lít/ngày. Lưu ý, ngày nắng nóng, đổ nhiều mồ hôi hoặc tiêu chảy thì lượng nước uống có thể nhiều hơn để bù vào lượng nước mất.

- Ngoài ra, còn một số lưu ý khác:

o Ăn đa dạng thức ăn, đầy đủ chất để tránh tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu máu.

o Bổ sung thêm thực phẩm giàu chất xơ như rau, đậu, thực phẩm nguyên hạt, trái cây tươi. Nên ăn 25 – 35 g chất xơ mỗi ngày.

o Lưu ý bổ sung đầy đủ các chất vi lượng cần cho quá trình chuyển hóa.

o Hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo và chất đường.

Điều chỉnh lối sống

- Bỏ thuốc lá và tránh tiếp xúc khói thuốc lá.

- Không uống rượu bia, chất kích thích hoặc chất gây nghiện. Đối với người suy tim do bệnh cơ tim dãn nở do rượu thì phải bỏ rượu tuyệt đối. Còn lại, người bệnh cũng không nên uống nhiều rượu bia. Cụ thể đối với nam mỗi ngày không được uống quá 2 lon bia (loại lon 350 ml, 3.5 độ), hoặc 120 ml rượu vang (12 – 15 độ), hoặc 30 – 45 ml rượu mạnh (40 – 50 độ); nữ giới chỉ được uống bằng một nửa số lượng của nam giới.

- Giảm cân, duy trì cân nặng lý tưởng.

- Tập thể dục hằng ngày: Người bệnh suy tim có triệu chứng cần được tập luyện theo chương trình phục hồi chức năng tim mạch. Trước khi tập luyện, người bệnh cần khám và đánh giá mức gắng sức an toàn, phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình.

Chăm sóc bệnh nhân suy tim

- Chích ngừa cúm mỗi năm và chích ngừa viêm phổi phế cầu: Các nghiên cứu đã chứng minh chích ngừa giúp giảm tử vong và nhập viện vì suy tim. Nếu bạn chưa được tiêm ngừa, thì nên nhắc bác sĩ cho chỉ định hoặc đến các trung tâm tiêm chủng để chích.

- Hạn chế hoạt động gắng sức: người bệnh cần được ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi phù hợp. Không nên thực hiện những hoạt động gắng sức quá mức do tim phải làm việc quá tải và nhanh chóng rơi vào tình trạng mất bù trừ. Cứ mỗi đợt suy tim nặng lên phải nhập viện là tuổi thọ của người bệnh bị rút ngắn lại, và tình trạng sức khỏe không trở lại được mức như trước đó dù đã tăng liều thuốc điều trị.

- Hỗ trợ về mặt tâm lý: Khi mới được chẩn đoán suy tim, người bệnh thường bị sốc, lo lắng, sợ hãi, có khi tức giận hoặc trầm cảm. Cảm xúc này hoàn toàn bình thường và cần được hỗ trợ. Người bệnh cần được sự quan tâm, giúp đỡ, và động viên của gia đình, người thân và bạn bè. Nếu tình trạng trở nên trầm trọng theo thời gian, bạn nên nói với bác sĩ để được can thiệp điều trị.

- Quan hệ tình dục: Người bệnh suy tim vẫn có thể sinh hoạt tình dục tùy theo tình trạng sức khỏe của họ. Tuy nhiên, các hoạt động này với người bạn tình thường bị thay đổi và ảnh hưởng. Nguyên nhân là do người bệnh lo lắng, sợ bị đột tử, mất hứng thú, rối loạn cương dương và đôi khi do thuốc tim mạch. Nếu gặp khó khăn trong việc này, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ để được hỗ trợ.

- Những dấu hiệu bệnh trở nặng: Nếu có những dấu hiệu sau, người bệnh cần được điều chỉnh thuốc hoặc tái khám sớm.

o Khó thở xảy ra không liên quan gắng sức hoặc với những hoạt động thường ngày mà trước đó không gây khó thở

o Phù chân hoặc mắt cá chân tăng dần

o Tăng cân nhanh, tăng từ 2kg trở lên trong vòng 3 ngày

o Bụng chướng căng hoặc đau bụng

o Khó ngủ hoặc thức giấc do khó thở về đêm

o Ho khan, nhất là khi nằm hoặc ban đêm

o Cảm giác mệt mỏi suốt cả ngày

Tài liệu tham khảo:

1. https://www.nhs.uk/conditions/heart-failure/living-with/

2. 2021 ESC Guidelines for the diagnosis and treatment of acute and chronic heart failure. Eur H J (2021), 00, 1-128. doi:10.1093/eurheartj/ehab368.