Chẩn đoán và điều trị suy tim

Khi người bệnh đến khám hoặc nhập viện vì các triệu chứng gợi ý suy tim, bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử, khám bệnh và làm một số cận lâm sàng để xác định chẩn đoán.

SỨC KHỎE

Thank Kiều

5/21/2023

Chẩn đoán suy tim

Khi người bệnh đến khám hoặc nhập viện vì các triệu chứng gợi ý suy tim, bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử, khám bệnh và làm một số cận lâm sàng để xác định chẩn đoán.

Các triệu chứng lâm sàng gợi ý suy tim gồm khó thở tăng dần, khó thở khi nằm đầu thấp, đau ngực khi gắng sức, hồi hộp, phù chân, ho khạc ra bọt hồng, ho ra máu, ngất hoặc gần ngất,…

Hỏi bệnh sử bao gồm hỏi về các bệnh lý có liên quan đến suy tim như tăng huyết áp, đái tháo đường, nhồi máu cơ tim,... Ngoài ra, tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch cũng rất quan trọng vì có một số bệnh tim có tính di truyền. Hỏi thêm về thói quen sinh hoạt, hút thuốc lá, rượu bia. Sau cùng là các triệu chứng và tiến triển của nó khiến người bệnh đến gặp bác sĩ.

Thăm khám người bệnh để tìm các dấu hiệu suy tim như phù chân, mạch máu ở cổ nổi to, bụng chướng lên, phổi có nhiều ran, nhịp tim không đều, có những âm thanh lạ bất thường ở vùng trước tim (tiếng thổi).

Các cận lâm sàng cơ bản để chẩn đoán suy tim:

- Đo điện tâm đồ tìm dấu hiệu nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim, lớn buồng tim, rối loạn nhịp tim.

- Siêu âm tim tìm bất thường cấu trúc và chức năng tim như hở van tim, tim có vùng giảm co bóp, phân xuất tống máu giảm, áp lực động mạch phổi tăng, tràn dịch màng tim,…

- X-quang ngực có tình trạng ứ máu ở phổi, bóng tim to.

- Xét nghiệm: chất chỉ điểm suy tim (BNP hoặc NT-ProBNP) tăng cao trong máu. Ngoài ra, cần làm thêm một số xét nghiệm thường quy trước điều trị như công thức máu, chức năng gan, chức năng thận, đường huyết, chức năng tuyến giáp, điện giải đồ, tổng phân tích nước tiểu.

Sau khi người bệnh được chẩn đoán suy tim, bước kế tiếp là tìm nguyên nhân gây suy tim.

Các cận lâm sàng tìm nguyên nhân suy tim gồm:

- Trắc nghiệm gắng sức bằng thuốc, thảm lăn hoặc xe đạp: tìm bệnh hẹp mạch vành.

- Chụp MSCT mạch vành: khảo sát hình ảnh cây mạch vành bằng CT có tiêm thuốc cản quang.

- Chụp cộng hưởng từ tim (MRA): tìm bệnh lý cơ tim như viêm cơ tim, bệnh cơ tim phì đại, bệnh cơ tim do thâm nhiễm amyloid,…

- Chụp mạch vành: tiêu chuẩn vàng để xác định hẹp mạch vành.

- Sinh thiết cơ tim nếu nghi ngờ viêm cơ tim, bệnh cơ tim do thâm nhiễm.

- Nhật ký điện tâm đồ (Holter ECG) tìm rối loạn nhịp.

Các yếu tố làm nặng thêm suy tim:

Bệnh nhân ở giai đoạn tiền suy tim hoặc suy tim ổn định, khi có yếu tố thúc đẩy (yếu tố làm nặng) thì suy tim trở nặng, khiến người bệnh phải gặp bác sĩ sớm hơn hoặc nhập viện.

- Nhồi máu cơ tim cấp

- Nhiễm trùng: viêm phổi, nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng đường tiêu hóa,…

- Sốt do nhiễm siêu vi

- Thiếu máu

- Cường giáp

- Rối loạn nhịp: ví dụ bệnh nhân mới vừa bị lên cơn rung nhĩ nhanh

- Có thai

Các biện pháp điều trị suy tim

Điều trị suy tim bao gồm:

- Điều trị các yếu tố thúc đẩy suy tim nặng lên: điều trị bệnh nhiễm trùng, thiếu máu, cường giáp, rối loạn nhịp,…

- Điều trị nguyên nhân gây suy tim: mổ thay van tim nếu hẹp hở van tim nặng, mổ bắc cầu hay đặt stent mạch vành nếu nhồi máu cơ tim hay thiếu máu cơ tim, cắt đốt rối loạn nhịp nhanh, đặt máy tạo nhịp với rối loạn nhịp chậm,…

Điều trị suy tim bằng thuốc: có 4 nhóm thuốc chính được chứng minh kéo dài đời sống người bệnh và giảm tái nhập viện vì suy tim. Bốn nhóm chính là: (1) thuốc ức chế men chuyển/chẹn thụ thể Angiotensin II hoặc ARNI, (2) thuốc đối kháng thụ thể Aldosterone, (3) thuốc ức chế bêta, và (4) thuốc ức chế kênh đồng vận chuyển natri-glucose 2 (SGLT-2 inhibitor). Thuốc lợi tiểu được dùng khi có tình trạng ứ nước ở phổi hoặc phù ngoại biên.

Điều trị bằng dụng cụ: gồm (1) máy tạo nhịp tái đồng bộ cơ tim (CRT: Cardiac Resynchronization Therapy hoặc CRT-D) giúp hai tâm thất co bóp đồng bộ và hiệu quả, (2) máy chuyển nhịp phá rung cấy được (ICD: Implantable Cardioverter Defibrilator) ngừa đột tử. Chỉ định đặt các máy này do bác sĩ chuyên khoa xem xét, nếu phù hợp sẽ đem lại hiệu quả cho người bệnh.

Dụng cụ hỗ trợ cơ học thất trái (LVAD): là một thiết bị cơ học, được ghép vào trong ngực, hoạt động bằng cách bơm máu liên tục từ thất trái vào động mạch chủ để đến các cơ quan. Thiết bị này sử dụng trong hai tình huống: (1) bắc cầu trong thời gian chờ ghép tim, (2) cho cơ tim được nghỉ ngơi, chờ đợi suy tim hồi phục (như trong viêm cơ tim). Việc đặt thiết bị này thường được thực hiện ở bệnh viện chuyên khoa sâu.

Ghép tim: tim của người bệnh được mổ thay bằng trái tim khỏe mạnh của một người hiến tạng tương thích. Ở phía nam, người bệnh có chỉ định ghép được khám sàng lọc và đưa vào danh sách chờ ở Trung tâm điều phối ghép tạng, đặt tại bệnh viện Chợ Rẫy.

Tài liệu tham khảo:

1. 2021 ESC Guidelines for the diagnosis and treatment of acute and chronic heart failure. Eur H J (2021), 00, 1-128. doi:10.1093/eurheartj/ehab368.