Chẩn đoán bệnh thiếu máu cơ tim

Thiếu máu cơ tim hay suy động mạch vành mạn là tình trạng động mạch vành bị hẹp hoặc tắc nghẽn không đủ khả năng cung cấp máu nuôi cơ tim khi hoạt động, gây ra triệu chứng mệt, tức ngực, khó thở khi làm việc gắng sức.

SỨC KHỎE

Thank Kiều

7/3/2023

Chẩn đoán bệnh thiếu máu cơ tim

Tôi thường gặp bệnh nhân đến khám bệnh vì đau lói ngực hay nặng ngực, thì cho rằng mình bị thiếu máu cơ tim hay thiểu năng vành do trước đây đi khám, đo điện tâm đồ bác sĩ kết luận như thế. Có nhiều cô còn rất trẻ, độ hai mấy ba mươi tuổi bị nhói ngực cũng được chẩn đoán thiếu máu cơ tim. Thật ra, nếu chỉ đo điện tâm đồ mà chẩn đoán thiếu máu cơ tim thì chỉ đúng được khoảng 50%, như vậy khả năng sai là một nửa. Vậy chúng ta cần làm những xét nghiệm chuyên sâu nào để chẩn đoán chính xác bệnh này khi có các dấu hiệu gợi ý?

Thiếu máu cơ tim hay suy động mạch vành mạn là gì?

Thiếu máu cơ tim hay suy động mạch vành mạn là tình trạng động mạch vành bị hẹp hoặc tắc nghẽn không đủ khả năng cung cấp máu nuôi cơ tim khi hoạt động, gây ra triệu chứng mệt, tức ngực, khó thở khi làm việc gắng sức.

Động mạch vành là tên của mạch máu nuôi cơ tim. Động mạch này được chia nhánh ra từ ngay gốc động mạch chủ, có 3 nhánh chính là động mạch vành phải, động mạch liên thất trước và động mạch mũ. Các nhánh chính này tiếp tục phân nhánh nhỏ dần đi sâu vào cơ tim, mang oxy và chất dinh dưỡng nuôi cơ tim. Khi động mạch vành bị hẹp hoặc tắc thì sẽ làm thiếu máu nuôi cơ tim của vùng đó, lâu dần đưa đến suy tim, hở van tim và rối loạn nhịp tim.

Nguyên nhân của bệnh thiếu máu cơ tim

Phần lớn là do xơ vữa động mạch, thành mạch máu bị các mảng xơ vữa bám vào, lắng đọng cholesterol và tế bào viêm, hậu quả gây hẹp hoặc tắc lòng mạch vành.

Một số ít trường hợp do co thắt mạch vành, dị dạng mạch vành hoặc bất thường mạch vành bẩm sinh.

Những ai dễ mắc bệnh thiếu máu cơ tim?

Những người có các yếu tố nguy cơ sau dễ mắc bệnh hẹp động mạch vành gồm:

- Cao tuổi

- Tăng huyết áp

- Đái tháo đường

- Rối loạn lipid máu

- Hút thuốc lá

- Tiền sử gia đình có cha mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh tim mạch sớm (nhồi máu cơ tim, đặt stent hoặc mổ bắc cầu mạch vành, nhồi máu não) ở nam trước 55 tuổi, nữ trước 65 tuổi.

Các phương pháp chẩn đoán bệnh thiếu máu cơ tim

Để chẩn đoán bệnh bác sĩ cần kết hợp hỏi bệnh sử, khám người bệnh và làm một số xét nghiệm chuyên sâu để khảo sát mạch vành. Bệnh này thường xảy ra ở người lớn tuổi, có nhiều yếu tố thuận lợi dễ mắc bệnh cho nên việc hỏi bệnh rất quan trọng, giúp tiên đoán khả năng mắc bệnh cao hay thấp.

Các cận lâm sàng cần thiết để chẩn đoán bệnh động mạch vành mạn là:

- Cơ bản: điện tâm đồ, X-quang tim phổi, siêu âm tim và xét nghiệm máu tổng quát.

- Chuyên sâu: trắc nghiệm gắng sức, chụp MSCT động mạch vành cản quang và chụp động mạch vành.

  • Trắc nghiệm gắng sức: nguyên tắc của nghiệm pháp này là làm cho tim đập nhanh lên bằng cách chạy bộ trên thảm lăn (điện tâm đồ thảm lăn gắng sức), đạp xe đạp (siêu âm tim xe đạp gắng sức) hoặc dùng thuốc làm tăng nhịp tim như Dobutamin (Siêu âm tim gắng sức Dobutamin). Khi tim đập nhanh, nhu cầu oxy của cơ tim tăng lên nên nếu có hẹp mạch vành, không cung cấp đủ máu cho cơ tim thì sẽ biểu hiện ra các triệu chứng như đau ngực, khó thở hay tụt huyết áp. Ngoài ra, trong lúc làm nghiệm pháp gắng sức người bệnh được mắc điện cực để theo dõi liên tục sự biến đổi điện tâm đồ khi có thiếu máu cục bộ cơ tim. Đối với siêu âm tim gắng sức, bác sĩ sẽ theo dõi sự co bóp cơ tim trên siêu âm ở các mức gắng sức tăng dần để phát hiện co bóp cơ tim giảm bất thường khi bị thiếu máu cục bộ.

  • Chụp MSCT động mạch vành cảnh quang: bệnh nhân được bơm thuốc cản quang vào trong mạch máu, qua máy quét CT sẽ cho hình ảnh của các nhánh chính mạch vành. Phương pháp này cho biết mức độ vôi hóa của động mạch vành, vị trí và mức độ hẹp nhẹ, trung bình hay nặng.

  • Chụp động mạch vành: người bệnh được đặt một ống thông từ động mạch ở tay (động mạch quay) hoặc bẹn (động mạch đùi), luồn lên đến gốc động mạch chủ, sau đó bơm thuốc cản quang vào các nhánh mạch vành và ghi lại hình ảnh cây mạch vành trên màn hình X- quang.

Khi nào nên chọn phương pháp nào để chẩn đoán thiếu máu cơ tim?

  • Điện tâm đồ gắng sức: Nghiệm pháp này thực hiện ở người khỏe, đi bộ hoặc chạy bộ được. Nếu nghiệm pháp dương tính là có bệnh thiếu máu cơ tim, tùy theo mức độ dương tính của nghiệm pháp (thấp, trung bình hay cao) mà người bệnh được điều trị bằng thuốc hoặc phải chụp và can thiệp mạch vành. Khả năng phát hiện bệnh của nghiệm pháp này khoảng 70% – 80%.

  • Siêu âm tim xe đạp gắng sức: giúp đánh giá thiếu máu cục bộ cơ tim trên siêu âm khi gắng sức bằng cách đạp xe. Phương pháp này thực hiện ở người vận động được, không đau khớp gối, có thể đạp xe được.

  • Siêu âm tim Dobutamin: ưu tiên thực hiện ở bệnh nhân không chạy bộ hay đạp xe được. Người bệnh nằm trên giường, được truyền thuốc Dobutamin để làm tăng nhịp tim như khi đang chạy gắng sức để đánh giá thiếu máu cơ tim. Khả năng phát hiện bệnh hẹp mạch vành của siêu âm tim gắng sức khoảng 80% - 85%.

  • Chụp MSCT mạch vành: khi chức năng thận cho phép, độ lọc cầu thận eFGR ≥ 60 ml/ph/1.73m2, nhịp tim đều ≤ 70 lần/phút, không bị rối loạn nhịp tim. Phương pháp này rất chính xác để loại trừ bệnh, có nghĩa là nếu kết quả chụp ra không có hẹp mạch vành thì 99.9% là không có hẹp thật sự.

  • Chụp mạch vành: là bước thực hiện tiếp theo khi bệnh nhân có kết quả trắc nghiệm gắng sức dương tính hoặc chụp MSCT động mạch vành có hẹp nặng. Phương pháp này là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán hẹp mạch vành và lượng giá mức độ hẹp. Nếu người bệnh bị hẹp mạch vành nặng, có thể can thiệp nong và đặt stent cùng lúc. Vì đây là phương pháp có xâm nhập nên thường được chỉ định sau cùng, khi có bằng chứng thiếu máu cơ tim rõ ràng từ các trắc nghiệm không xâm nhập hoặc triệu chứng bệnh rất điển hình ở người có nguy cơ mắc bệnh cao.

Tóm lại, để chẩn đoán thiếu máu cơ tim hay suy động mạch vành mạn người bệnh cần làm thêm một số nghiệm pháp chuyên sâu hơn bên cạnh đo điện tâm đồ và siêu âm tim. Mỗi phương pháp có giá trị chẩn đoán và lựa chọn cho từng bệnh nhân khác nhau. Do đó, nếu có triệu chứng nghi ngờ thiếu máu cơ tim người bệnh nên đến khám với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn đầy đủ.