Can thiệp động mạch vành qua da

Stent là giá đỡ hay khung làm bằng kim loại hoặc vật liệu tổng hợp được thiết kế để đặt trong lòng động mạch vành bị hẹp hoặc tắc nghẽn. Có hai loại stent là stent trần (Bare-metal stent) và stent phủ thuốc (Drug-eluting stent).

SỨC KHỎE

Thank Kiều

7/1/2023

Stent là gì?

Stent là giá đỡ hay khung làm bằng kim loại hoặc vật liệu tổng hợp được thiết kế để đặt trong lòng động mạch vành bị hẹp hoặc tắc nghẽn. Có hai loại stent là stent trần (Bare-metal stent) và stent phủ thuốc (Drug-eluting stent). Sau khi đặt stent vào trong lòng động mạch vành một thời gian, các tế bào lót trong lòng mạch máu (tế bào nội mạc) sẽ mọc ra, bao phủ lên trên mặt của stent, gọi là hiện tượng nội mạc hóa. Khi nội mạc hóa hoàn thành, lòng mạch đoạn có stent lành lặn như mạch máu bình thường nên ít bị huyết khối. Tuy nhiên, nếu lớp tế bào nội mạc này tăng sinh quá mức sẽ gây hẹp trong lòng stent dần dần, gọi là tái hẹp. Đối với stent phủ thuốc thì lớp thuốc bao phủ stent có tác dụng chống lại sự tăng sinh quá mức của các tế bào nội mạc, làm giảm nguy cơ tái hẹp trong stent, nhưng quá trình nội mạc hóa của stent bị kéo dài hoặc giảm đi, hậu quả dễ bị huyết khối hơn.

- Stent phủ thuốc thường đặt cho bệnh nhân có mạch máu bị hẹp kích thước nhỏ và đoạn hẹp kéo dài. Loại này giảm được nguy cơ tái hẹp trong stent.

- Stent trần, là loại không phủ thuốc, chỉ có khung kim loại, thường dùng đặt cho bệnh nhân có mạch vành kích thước lớn và đoạn hẹp ngắn.

Việc chọn lựa loại stent nào là tùy vào tổn thương mạch vành và đặc điểm người bệnh. Do đó, bác sĩ thông tim sẽ tư vấn cho người bệnh loại stent phù hợp nhất sau khi có kết quả chụp mạch vành. Không cứ phải stent đắt tiền nhất là stent tốt nhất cho mình.

Can thiệp mạch vành qua da là gì?

Can thiệp mạch vành qua da là thủ thuật đặt stent trong lòng động mạch vành bị hẹp. Bác sĩ thông tim sẽ luồn một ống thông nhỏ từ mạch máu ở cổ tay (động mạch quay) hay ở bẹn (động mạch đùi) vào động mạch chủ đến tim, rồi đưa vào mạch vành. Một sợi dây dẫn có gắn bóng ở đầu được đưa đến chỗ mạch vành hẹp hay tắc nghẽn, bóng được bơm lên để nong rộng lòng mạch vành. Sau nong bóng, bác sĩ sẽ đặt stent vào chỗ hẹp đó để giữ cho lòng mạch không bị co hẹp trở lại, khôi phục dòng máu chảy bình thường. Sau thủ thuật, bác sĩ sẽ rút hết các ống thông, dây dẫn và băng ép chỗ chích khoảng 6 giờ (ở cổ tay) hay 24 giờ (ở bẹn) để cầm máu.

Đặt stent động mạch vành được chỉ định cho bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp hoặc hẹp nặng động mạch vành mạn tính. Trong nhồi máu cơ tim cấp, can thiệp mạch vành qua da sớm giúp tái lập dòng chảy bình thường của mạch vành bị tắc nghẽn, cứu cơ tim không bị hoại tử, ngăn ngừa suy tim và đột tử. Đối với hẹp động mạch vành mạn tính, đặt stent giúp khôi phục tưới máu cơ tim tốt hơn, giảm triệu chứng đau thắt ngực và khó thở.

Sau đặt stent động mạch vành người bệnh cần uống hai thuốc chống kết tập tiểu cầu lâu dài để làm loãng máu, ngăn ngừa cục máu đông xảy ra trong stent gây nhồi máu cơ tim cấp hoặc tử vong.

Hình 1: Đặt stent động mạch vành

Những rủi ro có thể xảy ra khi làm thủ thuật đặt stent động mạch vành?

- Chảy máu tại nơi tiêm chích do lỗ kim lớn, đè ép không kỹ hoặc bị xuyên thủng mạch máu trong lúc làm thủ thuật. Người bệnh thấy xuất hiện bầm máu lan rộng, căng cứng hoặc đau ở vùng chích kim. Khi thấy các dấu hiệu bất thường này người bệnh nên báo ngay để bác sĩ kiểm tra và băng ép lại. Một số trường hợp chảy máu nặng phải truyền máu và mổ khâu lại chỗ chảy máu.

- Tổn thương thận cấp do thuốc cản quang thường gặp ở người lớn tuổi, đái tháo đường, bệnh thận mạn giai đoạn 3 trở lên. Để ngăn ngừa biến chứng này, cần chuẩn bị thận cho bệnh nhân trước khi chụp bằng cách truyền dung dịch Natrichlorua 0.9% trước và sau can thiệp mạch vành, ngưng các thuốc có độc tính trên thận, sử dụng thuốc cản quang tốt ít hại thận, chọn kỹ thuật chụp ít thuốc cản quang nhất có thể và dặn người bệnh uống nước đầy đủ trong ngày đầu sau đặt stent. Sau 24 – 48 giờ kiểm tra lại chức năng thận để phát hiện sớm biến chứng này.

- Nhồi máu cơ tim cấp trong hoặc sau khi đặt stent có thể do stent đặt ở vị trí làm bít một nhánh nhỏ đi ra từ động mạch vành chính, do huyết khối trong stent, bóc tách mạch vành hay do mảng xơ vữa di chuyển đến đoạn xa gây tắc nhánh nhỏ mạch vành. Người bệnh có biểu hiện đau ngực dữ dội, điện tâm đồ có thay đổi kiểu nhồi máu cơ tim và men tim tăng ≥ 5 lần so với lúc ban đầu trước khi đặt stent.

- Tổn thương động mạch vành như làm bóc tách, rách hoặc thủng gây nhồi máu cơ tim hay tràn máu màng tim. Nếu phát hiện biến chứng này lúc đặt stent, bác sĩ sẽ đặt ngay một stent khác để bít lại chỗ thủng hoặc bóc tách. Sau khi làm thủ thuật, bác sĩ thường làm lại siêu âm tim để kiểm tra biến chứng tràn máu màng tim do thủng mạch vành.

- Rối loạn nhịp có thể xảy ra trong và sau đặt stent như rung thất, nhịp nhanh thất, rung nhĩ hoặc rối loạn nhịp chậm. Do đó, trong lúc đặt stent người bệnh được theo dõi điện tim liên tục trên monitor hoặc đo điện tim lại sau khi đặt xong.

- Huyết khối cấp trong stent: cục huyết khối cấp tính trong stent làm tắc nghẽn mạch vành gây nhồi máu cơ tim cấp.

- Nhồi máu não có thể xảy ra sau can thiệp mạch vành do thao tác các dây dẫn lúc làm thủ thuật có thể gây vỡ mảng xơ vữa dọc thành động mạch chủ, đi lên não gây tắc mạch não. Biến chứng này thường gặp trong vài giờ đầu hoặc ngày đầu sau đặt stent.

Biến chứng lâu dài sau khi đặt stent mạch vành

- Huyết khối trong stent mạch vành gây nhồi máu cơ tim cấp

- Tái hẹp trong stent do hiện tượng tăng sinh quá mức của lớp tế bào nội mạc. Biến chứng này thường xảy ra vài tháng đến vài năm sau khi đặt stent.

- Gãy stent là biến chứng muộn, hiếm gặp nhưng đã có xảy ra.

Những điều cần lưu ý sau đặt stent động mạch vành

- Điều chỉnh chế độ ăn uống như không ăn nhiều muối, giảm ăn mỡ béo, chất bột đường, hạn chế ăn thịt mỡ, không uống rượu bia; nên ăn nhiều trái cây, rau củ quả và hạt, ăn cá hoặc thịt gia cầm tốt hơn thịt đỏ.

- Tập thể dục đều đặn mỗi ngày, duy trì cân nặng lý tưởng, giảm cân nếu dư cân hoặc béo phì.

- Không hút hay tiếp xúc với khói thuốc vì thuốc lá làm tăng xơ vữa động mạch và dễ tạo huyết khối gây hẹp hoặc tắc stent.

- Điều trị mỡ máu đạt mục tiêu với LDL-C ≤ 1.7 mmol/L (70 mg/dL) hoặc thấp hơn nếu bác sĩ thấy cần thiết. Mỡ trong máu cao sẽ làm tăng kích thước mảng xơ vữa, gây hẹp mạch vành tiến triển thêm.

- Điều trị tích cực các bệnh đi kèm nếu có như cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi mạn tắc nghẽn,… Huyết áp mục tiêu nên ≤ 130/80 mmHg, kiểm soát tốt đường huyết với HbA1c < 7.0%.

- Uống thuốc chống huyết khối lâu dài theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý giảm hoặc ngưng thuốc để tránh biến chứng huyết khối tắc stent cấp tính. Một số bệnh nhân sau nhiều năm uống thuốc thấy tình trạng sức khỏe ổn định thì tự ngưng thuốc. Sau vài tháng bệnh nhân nhập viện lại vì nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực hay khó thở, lúc đó phải chụp mạch vành lại và đặt thêm stent khác.

- Stent mạch vành sau khi đặt trung bình 3 – 6 tháng sẽ được nội mạc hóa và stent sẽ nằm ở đó suốt đời, không lấy ra được. Nếu bị hẹp trong stent, bác sĩ sẽ đặt thêm một stent khác ép vào chỗ hẹp. Thời hạn sử dụng của stent phụ thuộc vào từng người bệnh, có thể vĩnh viễn, nhưng cũng có thể ngắn hơn nếu người bệnh uống thuốc không đầy đủ hoặc cơ địa dễ bị tái hẹp.

Tóm lại, người bệnh tim mạch nếu đã có đặt stent mạch vành cần chú ý thay đổi lối sống, ăn chế độ ăn tốt cho tim mạch, tập thể dục hằng ngày, không hút thuốc lá và uống thuốc đều đặn. Người bệnh nên tái khám để bác sĩ kiểm tra thường xuyên các mục tiêu điều trị và điều chỉnh thuốc thích hợp để giảm tối đa nguy cơ bị hẹp lại trong stent hoặc hẹp mạch vành tiến triển nặng thêm ở các vị trí khác.

Tài liệu tham khảo:

1. https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/coronary-angioplasty/about/pac-20384761

2. https://www.ahajournals.org/doi/10.1161/CIR.0000000000001038