Cách đo huyết áp và những sai lầm cần tránh khi uống thuốc huyết áp
Sau thời gian thăm khám và điều trị bệnh nhân tăng huyết áp, bản thân tôi rút ra được vài điều tâm huyết muốn gởi gắm đến tất cả người bệnh đã từng và chưa từng điều trị với tôi.
SỨC KHỎE
Thank Kiều.
5/14/2023
1. Cách đo huyết áp đúng
- Ngồi nghỉ 5 – 10 phút trước khi đo.
- Tư thế người bệnh: nằm trên giường hoặc ngồi lưng tựa ghế, 2 chân đặt song song chạm sàn nhà, cánh tay để ngang mức tim.
- Đo 3 lần, cách nhau mỗi 2 phút. Nếu giữa 2 lần đo đầu huyết áp tâm thu khác biệt > 10 mmHg, đo thêm lần nữa sau 2 phút. Trị số huyết áp được tính là số trung bình cộng giữa 2 lần đo sau cùng.
- Lần đầu tiên nên đo huyết áp ở cả 2 bên tay, nếu khác biệt huyết áp giữa 2 tay > 10 mmHg thì lấy trị số huyết áp bên tay cao hơn và sau này chọn tay đó để theo dõi huyết áp.
- Chọn máy đo huyết áp loại có băng quấn ở cánh tay, kích thước băng quấn phù hợp với cánh tay người đo, không quá rộng cũng không quá chật. Ngày nay các hiệp hội về Tăng huyết áp đã chấp thuận máy đo huyết áp điện tử loại băng quấn cánh tay đạt tiêu chuẩn để người bệnh sử dụng theo dõi huyết áp tại nhà. Một số máy đo huyết áp hiện nay còn phát hiện được cả bệnh rối loạn nhịp tim (rung nhĩ ) khi đo huyết áp.
- Đối với bệnh nhân bị loạn nhịp tim hoặc rung nhĩ thì đo huyết áp bằng ống nghe chính xác hơn.
2. Bao lâu nên kiểm tra huyết áp một lần?
- Người lớn từ 18 tuổi trở lên, khỏe mạnh, không có bệnh tim mạch: kiểm tra huyết áp mỗi 3 – 5 năm một lần.
- Người lớn từ 40 tuổi trở lên hoặc có nguy cơ cao bị tăng huyết áp (như béo phì, đái tháo đường, tiền sử gia đình có người bị huyết áp cao): kiểm tra huyết áp mỗi năm một lần.
- Người có bệnh tim mạch, bệnh tăng huyết áp mãn tính: đo huyết áp mỗi lần tái khám, khi thay đổi thuốc điều trị hoặc khi có triệu chứng gợi ý huyết áp cao (ví dụ: nhức đầu, đau vai gáy, hồi hộp, đau tức ngực,…).
3. Những sai lầm thường gặp ở bệnh nhân tăng huyết áp?
- Uống thuốc huyết áp một thời gian thấy huyết áp ổn thì ngưng thuốc. Khi thấy huyết áp ổn hoặc thấp thì báo với bác sĩ để điều chỉnh thuốc, không nên tự ngưng thuốc nhất là khi đang uống từ 2 loại thuốc huyết áp trở lên. Một số bệnh nhân khi ngưng thuốc vài tuần sau huyết áp mới từ từ tăng lên trở lại, khi đó rất nguy hiểm nếu không được theo dõi sát.
- Sợ uống thuốc huyết áp lâu ngày ảnh hưởng đến gan và thận hoặc sợ lờn thuốc. Các thuốc điều trị huyết áp ít ảnh hưởng đến chức năng gan, một số nhóm thuốc hạ áp còn có vai trò bảo vệ thận hoặc sử dụng cho bệnh thận. Các bác sĩ chuyên khoa biết rõ các chỉ định khi dùng thuốc và cách theo dõi. Nếu có thắc mắc chúng ta nên đặt câu hỏi trực tiếp với bác sĩ để được giải đáp chứ không nên tự ngưng thuốc. Thuốc huyết áp hầu như rất ít bị lờn như thuốc kháng sinh hay thuốc ngủ. Khi mình uống thuốc một thời gian dài, sau đó huyết áp không ổn định, thường là do tiến triển của bệnh chứ ít khi do lờn thuốc. Khi điều trị huyết áp ổn định thì nên duy trì loại thuốc đó lâu dài, có thể giảm liều nếu bác sĩ cho phép và không cần phải thay đổi nhiều loại thuốc liên tục.
- Ngày đi khám bệnh không uống thuốc huyết áp. Thuốc hạ huyết áp phần lớn không ảnh hưởng đến dạ dày nên có thể uống trước ăn, khi nhịn đói làm xét nghiệm. Bác sĩ rất muốn biết mình đang uống thuốc huyết áp như vậy có ổn định không chứ không phải muốn biết mình đã hết bệnh tăng huyết áp chưa. Nhiều bệnh nhân nói muốn ngưng thuốc để biết mức huyết áp của mình sau thời gian điều trị. Điều đó không cần thiết vì khi ngưng thuốc thì huyết áp sẽ lên lại thôi.
- Khi mắc thêm bệnh cấp tính khác thì ngưng thuốc huyết áp. Có rất nhiều bệnh nhân khi bị cảm cúm, viêm khớp, tiêu chảy,… thì tự ngưng thuốc huyết áp để uống mấy thuốc kia vì nghĩ rằng uống chung nhiều thuốc như vậy sẽ bị chỏi với nhau. Điều này hoàn toàn không đúng. Khi mình bị sốt, cảm cúm, đau khớp, hay nhiễm trùng thì huyết áp của mình còn có xu hướng cao hơn thường ngày do cơ thể mình đang khó chịu, đang mệt, đang đau, mà mình còn bỏ thuốc thì huyết áp sẽ tăng vọt, có nguy cơ xảy ra biến chứng. Do đó, khi có bệnh cấp tính khác chúng ta nên đến khám với bác sĩ để được kết hợp thuốc đúng hoặc ít nhất là uống thêm thuốc cảm nhưng không bỏ thuốc huyết áp.
- Chia sẻ thuốc huyết áp cho người thân, bạn bè. Khi phát hiện người thân bị cao huyết áp giống mình chúng ta hay đưa thuốc cho họ uống luôn. Việc chọn lựa thuốc huyết áp là nghề của bác sĩ. Mỗi người bệnh có mức huyết áp khác nhau, đặc điểm khác nhau, bệnh đi kèm khác nhau thì sẽ có loại thuốc phù hợp riêng với người đó. Nếu phát hiện người thân hay bạn bè có bệnh huyết áp cao thì nên giới thiệu đến bác sĩ khám, chúng ta không nên giành công việc đó của bác sĩ, bác sĩ sẽ buồn và người thân của mình sẽ không có được điều trị tối ưu nhất.
Xin cám ơn quý vị đã đọc đến hết phần này!
Tài liệu tham khảo:
1. 2018 ESC/ESH Guidelines for the management of arterial hypertension.