Bệnh tiểu đường và suy tim

Người bệnh tiểu đường cũng dễ bị suy tim. Nguy cơ suy tim tăng gấp 2 – 4 lần ở người tiểu đường so với người bình thường. Cứ trong 5 người bị tiểu đường thì sẽ có 1 người bị suy tim.

SỨC KHỎE

Thank Kiều

5/31/2023

Suy tim và bệnh tiểu đường

Suy tim trên bệnh nhân tiểu đường có nguy hiểm không?

Tử vong do bệnh tim mạch hiện đang dẫn đầu trong nhóm bệnh không lây nhiễm, ở cả hai giới nam và nữ. Khi một người có bệnh tiểu đường, khả năng mắc bệnh tim mạch và đột quỵ tăng gấp đôi so với người không bị tiểu đường ở cùng độ tuổi. Thời gian tiểu đường càng lâu, càng dễ mắc bệnh tim mạch đi kèm. Có khoảng 75% người bị tiểu đường chết vì nguyên nhân tim mạch.

Người bệnh tiểu đường cũng dễ bị suy tim. Nguy cơ suy tim tăng gấp 2 – 4 lần ở người tiểu đường so với người bình thường. Cứ trong 5 người bị tiểu đường thì sẽ có 1 người bị suy tim. Có khi triệu chứng suy tim như mệt, khó thở khi gắng sức, đi lại, phù chân, ứ nước trong phổi là biến chứng tim mạch đầu tiên ở người tiểu đường. Theo thời gian suy tim diễn tiến ngày càng nặng lên.

Các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân suy tim ở người bệnh tiểu đường?

Các yếu tố nguy cơ dễ làm mắc suy tim như thời gian bị tiểu đường lâu năm, kiểm soát đường huyết kém, không kiểm soát được huyết áp, mỡ máu cao, dư cân hoặc béo phì, có tiểu đạm, suy chức năng thận, bệnh tim thiếu máu cục bộ và bệnh động mạch ngoại biên.

Suy tim ở người bệnh tiểu đường thường là do hẹp mạch vành (làm tim co bóp yếu), tăng huyết áp, bệnh cơ tim do tiểu đường, hở van tim hoặc rung nhĩ.

Bệnh cơ tim do tiểu đường được định nghĩa là khi có rối loạn chức năng tâm thu và tâm trương thất trái mà không có nguyên do nào khác như bệnh mạch vành, tăng huyết áp, bệnh van tim.

Các giai đoạn suy tim ở người bệnh tiểu đường?

Người có bệnh tiểu đường là người có nguy cơ bị suy tim trong tương lai (suy tim giai đoạn A).

Nếu có rối loạn chức năng tim, hoặc tăng chất chỉ điểm sinh học của suy tim (BNP hoặc NT-ProBNP) mà chưa có biểu hiện triệu chứng thì gọi là tiền suy tim (giai đoạn B).

Suy tim trên bệnh tiểu đường khi có các triệu chứng như mệt, khó thở khi gắng sức, khi nằm đầu thấp; đau ngực hoặc hồi hộp khi làm việc nặng, kèm phù chân, ứ nước trong phổi, tăng chất chỉ điểm suy tim thì gọi là suy tim có triệu chứng (giai đoạn C).

Suy tim tiến triển, người bệnh có triệu chứng cả lúc ngồi nghỉ ngơi, không giảm với thuốc điều trị, phải nhập viện thường xuyên coi là suy tim giai đoạn cuối (giai đoạn D).

Cần làm các xét nghiệm gì để chẩn đoán suy tim ở người tiểu đường?

Cách thức chẩn đoán suy tim cũng giống như ở người không tiểu đường. Đầu tiên cần hỏi bệnh sử, khám người bệnh và sau đó làm các cận lâm sàng để chẩn đoán suy tim. Người bệnh thường được đo điện tim, siêu âm tim, chụp X-quang tim phổi, trắc nghiệm gắng sức hoặc chụp CT mạch vành/chụp mạch vành, cộng hưởng từ tim và xét nghiệm máu. Trong các hướng dẫn điều trị của hiệp hội đái tháo đường đề nghị nên đo peptide lợi niệu (BNP hoặc NT-ProBNP) và men troponin ít nhất mỗi năm một lần để phát hiện suy tim giai đoạn B, có kế hoạch điều trị, ngăn ngừa suy tim tiến triển sang giai đoạn C hay D. Khi bệnh nhân khởi phát suy tim, cần phải loại trừ có bệnh tắc nghẽn mạch vành bằng trắc nghiệm gắng sức hoặc hình ảnh (MSCT mạch vành cản quang/chụp mạch vành).

Điều trị suy tim trên bệnh nhân tiểu đường có gì khác?

Dùng thuốc ức chế men chuyển hoặc chẹn thụ thể angiotensin II khi có suy tim giai đoạn A và B ở bệnh nhân tiểu đường có kèm tăng huyết áp, tiểu đạm vi lượng và/hoặc bệnh mạch vành.

Trong suy tim phân xuất tống máu giảm (EF ≤ 40%), điều trị suy tim giống như ở người không có bệnh tiểu đường, có 4 nhóm thuốc cơ bản (ARNI/ ức chế men chuyển, chẹn beta, kháng Aldosterone và nhóm ức chế SGLT-2), ưu tiên nhóm ARNI và ức chế SGLT-2.

Các thuốc nên được dùng sớm, trong lúc nằm viện khi suy tim cấp đã ổn định. Chỉnh liều sau 1 – 2 tuần để nhanh chóng đạt được liều tối đa theo hướng dẫn mà người bệnh dung nạp được.

Tránh các thuốc tiểu đường làm tăng nguy cơ suy tim hoặc nhập viện vì suy tim. Không dùng Saxagliptin (nhóm ức chế DPP-4) và Thiazolidinediones (Pioglitazone) cho bệnh nhân suy tim giai đoạn B, C và D.

Insulin dùng thêm vào được khi cần chỉnh đường huyết nhưng lưu ý tác dụng phụ gây tăng cân, không có lợi cho bệnh nhân suy tim.

Làm sao để phòng tránh suy tim trên người bệnh tiểu đường?

- Bác sĩ nên chú ý các triệu chứng của suy tim ở người tiểu đường, đặc biệt người bệnh lâu năm, béo phì, ít vận động.

- Xét nghiệm ít nhất mỗi năm một lần BNP hoặc NT-ProBNP và men tim troponin để phát hiện sớm suy tim từ giai đoạn B.

- Cần loại trừ bệnh hẹp mạch vành ở người tiểu đường mới mắc suy tim.

- Điều chỉnh lối sống giúp giảm nguy cơ suy tim và kiểm soát tốt đường huyết

o Chế độ ăn lành mạnh: ăn trái cây, rau, củ, quả, ngủ cốc nguyên hạt, thịt nạc, thịt gà vịt, cá. Hạn chế ăn đồ đóng hộp (đồ ăn vặt, khoai tây chiên, bánh ngọt, thức ăn nhanh). Không uống nước ngọt, giảm rượu bia.

o Giữ cân nặng lý tưởng: giảm cân ở người dư cân, béo phì giúp giảm đường huyết và triglyceride. Mục tiêu giảm cân từ 5% đến 7% trong vòng 6 tháng đến 1 năm đã được chứng minh có lợi cho người bệnh.

o Vận động thể lực tích cực: giảm được hiện tượng đề kháng insulin, ổn định đường huyết và giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Mỗi người nên tập thể dục ít nhất 150 phút/tuần như đi bộ, chạy bộ chậm chậm. Nếu không tập đủ thời gian một lần, có thể chia ra tập 2 lần sáng và chiều, mỗi lần 15 đến 20 phút cũng có lợi.

o Giảm căng thẳng trong đời sống tinh thần bằng cách tập yoga, thiền, hít thở sâu,…

- Kiểm soát có mục tiêu ABCs:

o A (HbA1c): xét nghiệm HbA1c là chỉ điểm mức đường huyết trong vòng 3 tháng gần đây, cần làm định kỳ mỗi 3 tháng. Mục tiêu HbA1c ≤ 7.0%, lý tưởng ≤ 6.5%.

o B (Blood pressure: huyết áp): đặt mức huyết áp mục tiêu < 140/90 mmHg hoặc thấp hơn nếu có bệnh đi kèm.

o C (Cholesterol): đặt mục tiêu LDL-C < 1.7 mmol/L ở người bệnh tiểu đường, LDL-C < 1.4 mmol/L nếu vừa có tiểu đường vừa có bệnh tim mạch do xơ vữa (nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, sau đặt stent hoặc mổ bắc cầu mạch vành, bệnh động mạch ngoại biên).

o s (Stop smoking): không hút thuốc lá.

Tài liệu tham khảo:

1. https://www.cdc.gov/diabetes/library/features/diabetes-and-heart.html#:~:text=If%20you%20have%20diabetes%2C%20you,are%20to%20have%20heart%20disease.

2. https://diabetesjournals.org/care/article/45/7/1670/147048/Heart-Failure-An-Underappreciated-Complication-of